Ở khu vực miền Trung, cứ đến mùa mưa bão, người dân lại ra sức chèn chống, gia cố những mái nhà cấp 4, những mái tôn có thể bung bật và bị cuốn bay khi gió giật mạnh. Kinh nghiệm “cơ động” nhất cho việc chèn chắn mái tôn là xúc cát cho vào bao tải loại 10-20 ký tùy vị trí chịu tải của mái tôn.
Sau đó vận chuyển lên những vị trí có đòn tay, nhất là rìa mái, phần mép ngang và dọc của mái tôn cách nhau từ 1-1,5m. Bão số 9 với mức gió giật kinh hoàng khiến người dân phải lên phương án chằng chống từ nhiều ngày qua...
Nếu trước đây, việc đi lấy cát ở bờ sông, bờ biển dễ dàng, thuận lợi thì giờ người dân thành phố khá vất vả với việc sở hữu cát để chằng chống. Cái khó ló cái khôn. Thay vì sử dụng cát như cách truyền thống, người dân miền Trung đang chia sẻ nhau cách sử dụng bao nilon dày để đựng nước và cột chặt lại dằn trên mái. Các bịch nước được kết nối với nhau bằng những sợi dây thừng và nẹp vắt qua đỉnh mái để tránh trôi trượt.
|
Cách làm này được đánh giá nhanh, gọn, cơ động, vì chỉ cần mang bao ni lông và dây buộc lên mái, sau đó kéo đường ống nước lên mái và trực tiếp tra bao. Bao nước ra đến đâu chèn chống mái tôn đến đó, không phải vận chuyển mất sức như bao cát.
Điểm hiệu quả của cách làm này còn ở chỗ, đây sẽ là nguồn nước sạch dự phòng của người dân nếu chẳng may cúp nước do ảnh hưởng của hạ tầng kỹ thuật sau bão...
Thêm vào đó, nếu bão tan, người dân cũng có thể xử lý dễ dàng những bao nước bằng cách tháo nước để giữ lại bao hoặc chích lủng bao cho nước chảy ra, là xong.
Tài khoản facebook Phan Đình Phú Quốc chia sẻ cách làm này vưới dòng trạng thái ngắn gọn: “Phòng chống bão cho mái tôn. Dùng túi nilon bơm nước vào để dằn lên mái thay cho bao cát. Sau bão vẫn có nước sạch để dùng”. Tài khoản này cũng không quên lưu ý “bọc thêm một lớp bao tải ở bên ngoài để bảo vệ túi nilon khỏi bị thủng”.
Dòng trạng thái “chí lý” của anh nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng và “học tập” từ phía mọi người. Ngay lập tức, người dân trong vùng dự báo ảnh hưởng của bão số ̣̣ tích cực chia sẻ...
|
Tài khoản Vu Nguyen Ba bình luận, "cách này không phải dùng nhiều sức và lực như khiêng tưng bao cát leo lên mái nhà. Sau bão có thể thiếu nước sạch, bà con có thể có nước để dùng. Trong trường hợp bão lớn, sập mái nhà thì túi nước có thể thủng và vỡ ra, không gây ảnh hưởng đến tính mạng như bao cát. Đây có lẽ là phương án hiệu quả 3 trong 1”.
Tài khoản của nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (Báo Lao Động) cũng chia sẻ cách làm rất tiện lợi và nhanh chóng này và không quên cảnh báo “nhớ neo các bao nước lại với nhau, bọc thêm 1 bớp bao tải bên ngoài cho chắc chắn”.
|
Dùng bao nước chằng mái tôn là cách làm đang được bà con các tỉnh thành ven biển miền Trung tích cực chia sẻ để kịp thời ứng phó với sức gió dự báo giật trên cấp 15 của báo số 9, bão Molave.
Theo dự báo của TT Khí tượng thủy văn quốc gia trong bản tin mới nhất từ trưa và chiều nay (27.10), do ảnh hưởng của bão số ̣9, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 12 - 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6 - 8 m. Vịnh Bắc bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8 - 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4 - 6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 5 m.
Bình luận (0)