Khi “đại gia” kiếm bạc cắc
Từng là một tên tuổi ăn nên làm ra, có ngày cao điểm đón gần 7.500 khách trong và ngoài nước, doanh thu vào hạng “khủng” nhưng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) hiện nay ngày thường chỉ có trung bình 50 người đến tham quan; riêng thứ bảy, chủ nhật thu hút khoảng 200 du khách.
Theo TS Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: “Chúng tôi đã nâng cấp nhiều cơ sở vật chất và mở rộng thêm các phòng trưng bày chuyên đề sao cho vừa bắt mắt, lại vừa có nội dung phong phú để hấp dẫn người xem. Đặc biệt dự án lớn, kỳ công về Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ khắc phục hậu quả sau chiến tranh đang chạy rất ổn, hy vọng lúc đưa vào hoạt động sẽ không phụ lòng mong mỏi của người xem. Bảo tàng còn tổ chức các đợt tập huấn, thi tay nghề cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh thật sự bài bản, chuyên nghiệp…, với ước mong đón được 10% lượng du khách thuở hoàng kim là mừng lắm rồi…”.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM |
Nhớ lại những ngày khách nườm nượp từng đoàn đậu xe kín đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) xếp hàng vào mua vé tham quan, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, tỏ ra tiếc nuối vì bây giờ có hôm mở cửa buổi sáng chỉ có 10 - 20 khách vãng lai, buổi chiều chẳng thấy ai. Lý do đơn giản: “Đối tượng của chúng tôi chủ yếu khách nước ngoài là chính, mà các tour chưa mở lại đồng bộ. Còn trong nước thì mọi người đang lo phục hồi kinh tế cùng bao khoản chi tiêu phải dè xẻn thì còn đâu tiền và thời gian mà đi… bảo tàng”, ông Tuấn buồn rầu.
Vì vậy, trong khi chờ đợi ngành du lịch từng bước hồi phục, tranh thủ các trường đón học sinh trở lại, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM “kích hoạt” ngay các chương trình trực quan sinh động kết nối trường học: Học sinh - sinh viên đến với bảo tàng, Giờ học sử ngay tại bảo tàng…, hoạt động rất hiệu quả trước đây để tăng nhanh số lượng khách tham quan.
“Trong cái khó, ló cái khôn”, nhân cao điểm Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022, lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ TP.HCM mời đến bảo tàng hai nhà may từng đoạt giải nhất cuộc thi Cắt may áo dài (năm 2018) và Thiết kế và cắt may áo dài cho người big size (năm 2019) do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức, để du khách tha hồ trải nghiệm với giá ưu đãi nhất, nhằm tăng thêm doanh thu.
Hiện vật quý tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phục vụ khách tham quan |
Sau cơn mưa, trời lại sáng…
Tin vui vừa đến là Sở Du lịch TP.HCM mới ra thông báo: Cùng với Đài quan sát Saigon Skydesk, Bưu điện TP.HCM, Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thì Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Áo dài và Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM đủ điều kiện tổ chức đón, phục vụ khách du lịch quốc tế đến TP.HCM, chưa kể Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện nay đang trở thành điểm “check in” mới rất “hot” trong giới trẻ.
“Sau cơn mưa, trời lại sáng”, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã đón đầu sự trở lại của du khách bằng việc nâng cấp hệ thống bảo tàng thông minh với màn hình chạm, mã QR hiện đại, nhanh chóng cùng với đối tác Tùng Việt bổ sung các hướng dẫn viên bằng robot dí dỏm, tài năng thay thế cho con người. Lần đầu tiên, bảo tàng giới thiệu đến công chúng nhiều hiện vật mới tại phòng trưng bày chuyên đề thời Nguyễn về vua Minh Mạng, đưa du khách trở về các thời kỳ lịch sử bằng… kính đeo mắt lập trình theo kỹ thuật mới nhất. “Ngoài ra, du khách đến bảo tàng chỉ cần tải app thông minh bảo tàng vào điện thoại thì sẽ tự mình tha hồ khám phá đủ thứ chân trời góc bể của cha ông xưa…”, TS Hoàng Anh Tuấn hồ hởi.
Du khách nhí thích thú đến bảo tàng sau đại dịch |
QUỲNH TRÂN |
Tuy nhiên, ngoài sự “tự thân vận động” bằng chính nội lực, lãnh đạo một số bảo tàng tại TP.HCM cũng đề nghị nhà nước cần có thêm nhiều chính sách ưu tiên hơn nữa để du lịch bứt phá sau dịch, đồng thời tạo điều kiện cho du khách quay trở lại, cũng như nên đưa các thông tin tuyên truyền để khách nước ngoài an tâm đến Việt Nam để bảo tàng không phải lo phập phù như hiện nay. Một lãnh đạo bảo tàng còn thẳng thắn: “Đầu tư cho di sản cần phải bài bản và dài hơi chứ không phải ngày một ngày hai. Mong các cấp quản lý quan tâm, lắng nghe những khó khăn của hệ thống bảo tàng đang thưa vắng du khách, cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ để phát triển bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn sự phục hồi lượng du khách phải đến nhanh chóng từng ngày, từng phút vì đó là sự sống còn của bảo tàng. Nếu cứ đóng một thời gian nữa mọi người sẽ quên đi tham quan bảo tàng, nên dù có thế nào các bảo tàng vẫn không ngại khó, ngại khổ… đón du khách”.
Bình luận (0)