Báo Thanh Niên - bạn đồng hành hỗ trợ học sinh, sinh viên

Lê Thanh
Lê Thanh
28/12/2020 10:19 GMT+7

Với chị Nguyễn Thị Nhung, nguyên Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM, Báo Thanh Niên không chỉ đã để lại những kỷ niệm sâu đậm, mà được nhớ ghi mãi về một thời gắn bó với thế hệ trẻ của mình.

Chị Nguyễn Thị Nhung là một trong những người “khai sinh” ra chương trình Tiếp sức mùa thi hiện nay.
Ban đầu, chương trình có tên gọi "Chương trình hỗ trợ thí sinh dự thi ĐH, CĐ và THCN", tổ chức lần đầu tiên năm 1996, nhằm hỗ trợ các thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ và THCN, giải quyết nhu cầu bức thiết của xã hội lúc ấy.
Đến năm 2001, T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên cùng Tập đoàn Thiên Long nhân rộng mô hình và tổ chức chương trình với tên gọi chính thức là Tiếp sức mùa thi.

Đọc Báo Thanh Niên để... giúp thí sinh

Nhìn lại hành trình thành công của chương trình, chị Nhung cho rằng chương trình Tiếp sức mùa thi được lan tỏa là nhờ có sự góp phần rất lớn của các phương tiện truyền thông đại chúng. "Nhưng đặc biệt khi có Báo Thanh Niên tham gia đồng hành với chương trình Tiếp sức mùa thi thì chương trình đã được báo chuyển tải thông tin chi tiết từ tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề đến hỗ trợ cho các bạn ở tỉnh, thành xa đến TP.HCM thi. Có thể nói, Báo Thanh Niên đã thông tin rộng rãi đến bạn đọc cả nước và chương trình Tiếp sức mùa thi cũng được nhân rộng trên cả nước thời điểm ấy", chị Nhung nhấn mạnh.

Hiến kế cho Thanh Niên

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Nhung “hiến kế” ngoài Tiếp sức mùa thi, Học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên, Thanh Niên nên phát động và tổ chức các phong trào có giải thưởng giá trị về du học thời gian ngắn để khuyến khích sinh viên. “Có thể tạo những cuộc thi xoáy vào tiến trình hội nhập, như hùng biện tiếng Anh, tiếng Pháp hay cuộc thi Olympic tin học, trí tuệ nhân tạo, cuộc thi về giải pháp sáng tạo khoa học với những vấn đề thiết thân như: kẹt xe, ngập nước...”, chị Nhung nói.
Chị Nhung nhớ lại, những năm tháng đầu tiên khi chương trình bắt đầu, chị và những người đồng nghiệp tâm huyết đã thường xuyên đọc Báo Thanh Niên để liên tục cập nhật những vấn đề phát sinh từ các học sinh đến thành phố dự thi ĐH.
Chị kể: "Chẳng hạn, khi báo đăng tin, bài về những thí sinh ngủ trong công viên bị mất hết tiền, đồ đạc..., cả phiếu báo danh đi thi, thì cán bộ, nhân viên trung tâm lập tức có sáng kiến tổ chức chương trình hỗ trợ thí sinh thi ĐH".

Tạo động lực để thúc đẩy sáng tạo

Trong những tháng năm làm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM, chị Nhung có rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng từ Báo Thanh Niên. Đó là những phóng viên như Võ Ba, Như Lịch... luôn có mặt trong các hoạt động hỗ trợ sinh viên, viết bài về những cảnh đời sinh viên gặp khó khăn.
“Phóng viên Thanh Niên thường xuyên đặt những câu hỏi trung tâm có gì mới hỗ trợ cho sinh viên trong năm tới?... Chính những câu hỏi đó làm động lực cho tôi và tập thể luôn sáng tạo, tìm việc hỗ trợ thiết thực nhất cho sinh viên lúc đó như: Tiếp sức mùa thi, Sinh viên đón tết xa nhà, Đồng hành cùng sinh viên vượt khó, Đưa sinh viên về quê đón tết, Tặng xe đạp cho sinh viên...”.
Cũng theo chị Nhung, đã rất nhiều lần, nhất là những tháng năm còn là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM, chị nghe giới sinh viên ở TP.HCM chia sẻ với nhau rằng họ đã biết được nhiều thông tin hay, quý báu... từ những bài viết, bản tin của Báo Thanh Niên.
Thanh Niên như là người bạn tin tức đồng hành mỗi ngày. Tôi nhận ra, hoạt động giáo dục hướng nghiệp là một trong những hoạt động nổi bật của Báo Thanh Niên, mà qua đó giúp được sinh viên rất nhiều”, chị Nhung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.