Báo Thanh Niên đoạt giải C giải báo chí viết về văn hóa và con người Hà Nội

30/09/2023 23:00 GMT+7

Loạt bài 5 kỳ "Danh thiếp công viên ở thành phố sáng tạo" của nhà báo Nguyễn Thị Kiều Trinh (bút danh Trinh Nguyễn), Báo Thanh Niên, đã đoạt giải C giải báo chí về "Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" lần thứ VI - năm 2023.

Tối 30.9, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) diễn ra lễ trao giải báo chí về "Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" lần thứ VI - năm 2023.

'Báo chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện' - Ảnh 1.

Nhóm tác giả đoạt giải A giải báo chí về "Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"

KHẮC HIẾU

Sau 1 năm phát động, ban tổ chức đã tiếp nhận tổng số 292 tác phẩm của 39 đơn vị, cơ quan báo chí với đầy đủ các loại hình báo chí. Với tinh thần khách quan, công tâm và trách nhiệm cao, hội đồng chấm giải đã thống nhất bình chọn 2 cơ quan báo chí đồng hạng xuất sắc là Báo Hà Nội mới và Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong 33 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao giải, có 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C và 15 giải khuyến khích. 3 giải A thuộc về các tác phẩm: Đột phá cho công nghiệp văn hóa thủ đô của Ban Thời sự VTV; Kiến trúc nông thôn: Mai này rồi sẽ ra sao? của Báo Hà Nội mới; Nỗi đau chìm trong ký ức của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Giải C được trao cho 10 tác phẩm, trong đó có loạt bài 5 kỳ Danh thiếp công viên ở thành phố sáng tạo của nhà báo Nguyễn Thị Kiều Trinh, Báo Thanh Niên.

'Báo chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện' - Ảnh 2.

Giải C được trao cho 10 tác phẩm, trong đó có loạt 5 bài Danh thiếp công viên ở thành phố sáng tạo của nhà báo Nguyễn Thị Kiều Trinh (thứ 2 từ phải sang)

KHẮC HIẾU

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, qua 6 mùa giải, giải báo chí "Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" ngày càng được nâng cao về chất lượng, trở thành giải báo chí có uy tín, tạo sự lan tỏa tích cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo ông Phong, đối với Hà Nội, nguồn lực quan trọng bậc nhất, cũng là lợi thế hàng đầu chính là nguồn tài nguyên văn hóa và nguồn lực con người. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc được thành phố đặc biệt quan tâm.

Báo chí là một phần của văn hóa, mỗi sản phẩm báo chí là một sản phẩm văn hoá. Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa giá trị văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới.

Báo Thanh Niên đoạt giải C giải báo chí viết về văn hóa và con người Hà Nội - Ảnh 3.

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại lễ trao giải

KHẮC HIẾU

"Và đó chính là điều tôi muốn gửi tới các cơ quan báo chí. Bằng tình cảm và trách nhiệm với thủ đô, các cơ quan báo chí đồng hành và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng định hướng, truyền cảm hứng, lan tỏa và nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh", ông Phong bày tỏ.

Cũng theo ông Phong, thông qua tác phẩm, báo chí đã truyền đi thông điệp xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho thủ đô. Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; bồi đắp và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển thủ đô. 

"Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự", ông Phong bày tỏ.

Loạt bài dài 5 kỳ của nhà báo Nguyễn Thị Kiều Trinh (Báo Thanh Niên) phản ánh về thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn tại các công viên lớn như Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ… do chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. 

Vậy nhưng, dù còn nghèo nàn về thú nuôi cũng như tổ chức không gian cảnh quan, thiếu vắng các trò chơi, phương tiện giải trí, những công viên này vẫn nhộn nhịp người qua lại, là nơi người dân tìm đến để tận hưởng không gian xanh yên bình, thư giãn… mỗi dịp nghỉ lễ hay dịp cuối tuần.

Trong bối cảnh công viên vừa thiếu vừa ít, người dân ở tận cùng đường Hàm Tử Quan (Q.Hoàn Kiếm) đã chung sức đồng lòng biến bãi rác thành không gian xanh khổng lồ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi cho người nhập cư và người dân sinh sống gần đó.

Hồi tháng 12.2022, Hà Nội mở rào công viên Thống Nhất, "mở rào" tư duy về quản lý; đồng thời quyết tâm cải tạo, nâng cấp các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng Hà Nội "mở rào" nhiều công viên ở Hà Nội vẫn chưa được "hồi sinh" hoàn toàn như mục tiêu mà thành phố đặt ra.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh của Hà Nội, PGS - TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thành phố cần lồng ghép những mục tiêu này vào luật Thủ đô (sửa đổi). Việc bảo vệ và quan tâm đến công viên với tư cách thiết chế văn hóa cần phải xem là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, sáng tạo, bền vững và đáng sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.