Bảo tồn cầu Long Biên theo hướng nào?

20/02/2017 07:00 GMT+7

Cách đây vài năm, ý định phá bỏ cầu Long Biên đã gây dậy sóng dư luận. Giờ đây, Hà Nội đã có một chủ trương mới. Trong cuộc gặp với văn nghệ sĩ trí thức thủ đô ngày 18.2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết sắp tới Hà Nội sẽ nghiên cứu khôi phục công trình có giá trị lịch sử đặc biệt - cầu Long Biên.

Cây cầu do người Pháp thiết kế và xây dựng vốn được đánh giá là một di sản đô thị của Hà Nội. Các chuyên gia di sản đã đề xuất nhiều phương án bảo tồn cây cầu.
Giảm chức năng giao thông kết nối
“Đương nhiên cầu Long Biên sinh ra bắt đầu từ chức năng giao thông kết nối. Nhưng ngày nay vai trò giao thông của nó không còn đáng kể vì có nhiều cây cầu khác ngay bên cạnh”, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Bắc, một người nhiều năm sưu tập tư liệu ảnh Hà Nội xưa, chia sẻ. Theo ông Bắc, điều tốt nhất để khôi phục cầu Long Biên hiện nay là giảm tải giao thông cho nó nhằm tránh gây áp lực lên kết cấu đã cũ của cầu. Chẳng hạn, cân nhắc có nên để tuyến đường sắt ở đó không. Thậm chí, theo ông Bắc, rất nên hạn chế phương tiện qua lại trên cầu. Chẳng hạn, xe máy chỉ được qua cầu vào sáng sớm hoặc chiều từ khoảng sau 17 đến 22 giờ. Còn những giờ khác dành riêng cho người đi bộ lên cầu. Xe máy khi đó có thể đi qua các cầu khác. Như thế sẽ vừa giảm tải cho cầu Long Biên vừa không bất tiện cho người lao động nghèo.
GS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội KTS VN, cũng đã nói nhiều về việc cân nhắc những giá trị khác nhau của cây cầu. Theo ông Kính, chỉ nên tính tới khả năng tận dụng cây cầu với tư cách là một công trình giao thông trong một thời gian quá độ không dài. “Sớm muộn cũng phải sử dụng những công trình đường sá hiện đại, đưa tuyến đường sắt cũ ra khỏi nội đô. Cho nên việc đưa ra kế hoạch cải tạo và hiện đại hóa cầu là không có hiệu quả. Về lâu dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy trong khoảng thời gian cũng không dài, cho đi bộ và xe đạp”, ông Kính nêu quan điểm. Thứ hai, theo ông, cần trùng tu, nâng cấp và khôi phục những đặc điểm cơ bản cấu trúc và diện mạo vốn có của cầu. Cuối cùng, cần cải tạo thích nghi để phục vụ các nhu cầu văn hóa và du lịch, trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm cấu trúc và hình dạng của cầu.
Về chương trình dài hạn cải tạo cầu Long Biên, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT, cho biết sẽ phải tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia trước khi có phương án cụ thể. Tuy nhiên, cá nhân ông Tiến cho rằng: “Khôi phục cách nào thì cũng trên cơ sở phát huy giá trị vốn có và khai thác để phục vụ khách du lịch”.
Chọn bản gốc hay pha trộn ?
Bản thân cây cầu Long Biên hiện nay, theo các nhà nghiên cứu, đã không còn giống hệt như bản gốc. Qua chiến tranh, nó đã được sửa lại nhiều. Chính vì thế, khôi phục nó giống đến đâu so với bản vẽ đầu tiên cũng là một câu hỏi.
“Người Pháp đã sinh ra nó thì hãy để người Pháp trùng tu. Họ đủ tầm và có thể ủng hộ cả tiền, chúng ta nên tạo hành lang để họ làm. Giữ nguyên bản hay không cũng nên tham khảo ý tưởng của người Pháp vì họ hiểu Hà Nội”, KTS Đặng Tuấn Trung nêu ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Trung, cây cầu này nên được khôi phục theo hướng là một bảo tàng sống, một cây cầu làm đẹp đô thị chứ không chỉ để giao thông.
Trong khi đó, KTS Hoàng Thúc Hào, người vừa nhận giải thưởng KTS xuất sắc của châu Á, cho rằng không nhất thiết phải khôi phục cầu Long Biên y hệt như khi mới khánh thành. “Tôi nghĩ như bây giờ dáng cầu cũng đẹp rồi, chỉ cần sửa một vài nhịp thôi”, ông Hào nói.
Về ý tưởng biến cầu Long Biên thành một công trình nhấn vào nét văn hóa, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng khoảng không gian giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4 m, có thể dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian trưng bày. Tại đó, có thể tổ chức shop hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy giải khát… Những quầy hàng này có kính gắn hai bên và mái che ở trên để ít ảnh hưởng đến hình dáng chung của cầu. “Ở châu Âu người ta gọi dãy hành lang như thế là passage, là một trung tâm mua sắm, dạo chơi ở nhiều đô thị lớn. Với giải pháp này, ta có thể tạo nên một dạng “chợ - cầu”, có một không hai”, ông Kính đề xuất.
KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng hiện tại Hà Nội có hai báu vật du lịch mà mới chỉ khai thác được một là Văn Miếu. Cầu Long Biên là báu vật hiện giờ vẫn chưa phô bày vẻ đẹp với du khách. Việc khôi phục cầu Long Biên, theo ông Hào, nên được làm theo hướng kết nối du khách, mở rộng hoạt động cộng đồng. Vì thế, cần tổ chức không gian thế nào để nối được cầu Long Biên với các không gian đẹp khác gần đó như bãi giữa xanh ngát hay khu phố cổ với phố đi bộ và chợ Đồng Xuân. “Phải nối được nó với khu chân cầu. Có các không gian công cộng để chơi: đi bộ, chụp ảnh, nghe nhạc”, ông Hào nói.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL, Hà Nội đang chủ trương có đường nghệ thuật thì nên biến cầu Long Biên thành con đường nghệ thuật đó. “Có thể biểu diễn, trưng bày nghệ thuật rồi kết nối với phố cổ. Làm như vậy trên một cái cầu đã phục hồi như nguyên gốc thì sẽ đẹp lắm đấy”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.