Bảo tồn di sản ở 'bảo tàng sống'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/11/2021 08:55 GMT+7

Lịch sử, lối sống của người dân bản địa cùng những di sản xứ Đà thành được bảo tồn trong “bảo tàng sống” đang khiến người dân cùng những người nghiên cứu văn hóa vừa mừng vừa lo...

Thành phố có ký ức

Trong tâm trí bà Lê Thị Lệ Sen (73 tuổi, có nhà gần đình Hải Châu, Q.Hải Châu), lễ hội đình làng Hải Châu hàng năm luôn là một “dấu mốc” đẹp. Bởi từ thời niên thiếu, dù thời điểm đất nước có chiến tranh, cứ đến ngày 10.3 âm lịch bà lại thấy hàng ngàn người đổ về, nô nức trẩy hội. Cứ 3 năm thì lễ hội lại làm lớn một lần. Bởi vậy, khi hay tin điều chỉnh quy hoạch chung TP tầm nhìn đến năm 2045 xác định đình làng Hải Châu là tâm điểm của khu “bảo tàng sống”, bà Sen rất phấn khởi.

“Bảo tàng sống” sẽ bảo tồn di sản trong lòng một đô thị hiện đại như Đà Nẵng

Theo liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Tư vấn Surbana Jurong (Singapore), di sản đô thị của TP sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị tương lai. Các làng đô thị truyền thống tại Đà Nẵng được ưu đãi với các con đường có quy mô phù hợp với con người và con hẻm sôi động, tràn ngập cuộc sống đường phố. Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng thuyết minh rằng, một “bảo tàng sống” được đề xuất để bảo vệ kết cấu hiện tại của những làng đô thị qua đó, giới thiệu về lịch sử và lối sống tại Đà Nẵng. “Bảo tàng sống” sẽ trở thành điểm đến du lịch độc đáo, cho phép du khách trải nghiệm phong cách sống trong quá khứ và hiện tại của người dân bản địa…

Di tích lịch sử quốc gia đình làng Hải Châu là tâm điểm của “bảo tàng sống”

Hoàng Sơn

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP, nhận định: “Theo tôi, trong quá trình phát triển, để mãi mãi là một TP có ký ức, Đà Nẵng cùng lúc phải làm 2 việc liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa. Một là phải xây dựng những bảo tàng “sống” và hai là phải hình thành những “bảo tàng sống”.

Bảo toàn nhịp sống của cư dân

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho hay người Đà Nẵng rất hoan nghênh các nhà quy hoạch Singapore lần này đã có ý tưởng hình thành một “bảo tàng sống” ở khu trung tâm Q.Hải Châu. Việc chọn một phần khu dân cư đã nêu để hình thành “bảo tàng sống” theo ông là hợp lý. Bởi trong nửa thế kỷ qua, khu vực này được xem là “bình an” nhất, ít biến động nhất trong cơn lốc đô thị hóa. Tên làng Hải Châu cũng được xem là điểm son ứng xử văn hóa của những lưu dân bản địa khi “gánh cả tên xã tên làng” từ H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào đây. Tuy nhiên, ông Tiếng cho rằng hồn cốt của một “bảo tàng sống” không phải chỉ là những phố đi bộ, phố “không ngủ”… mà chính nhịp sống thường nhật của cư dân bản địa mới làm nên sức sống, sức hấp dẫn. Vì vậy, phải bảo toàn nhịp sống này.

Theo ông, để từng bước gầy dựng “bảo tàng sống”, cần phải nhanh chóng kiểm kê và có kế hoạch bảo tồn phù hợp những di sản văn hóa lịch sử kiến trúc. Ngoài đình làng Hải Châu, nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, nhà số 79 Hoàng Diệu… còn có nhà Cự Tùng (đường Trần Bình Trọng), giao lộ Ngã Năm, đình làng Phước Ninh, chợ Cây Me…; tránh việc làm biến dạng di sản như đã từng đối với rạp chiếu bóng Lido (đường Phan Châu Trinh). Ông Tiếng tỏ ý lo lắng về chuyện thay vì trở thành cú hích tư duy thì ý tưởng và quyết tâm hình thành “bảo tàng sống” lại dễ trở thành “căn cứ pháp lý” để tiếp tục đánh mất ký ức của TP. Trong quá khứ, đã có những hành động phá hoại di sản văn hóa nhân danh quy hoạch, nhân danh phát triển buộc chúng ta phải sực tỉnh…

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho rằng dùng cụm từ “bảo tàng sống” là mong muốn trong lòng một đô thị hiện đại gìn giữ những công trình, kiến trúc mang dấu ấn thời gian như các nhà cổ, công trình Pháp đan xen với các yếu tố văn hóa. “TP sẽ tạo ra những mảnh ghép qua những công trình văn hóa, như mảnh ghép từ công trình kiến trúc Pháp, mảnh ghép về văn hóa tâm tinh, tôn giáo như nhà thờ, các ngôi cổ tự… Gắn kết những mảnh ghép này để hình thành một “bảo tàng sống”, ông Thiện nói.

11 ha dành cho “bảo tàng sống”

Theo đồ án, “bảo tàng sống” thể hiện trên bản đồ là khu vực đô thị rộng 11 ha ở Q.Hải Châu, gồm một phần khu dân cư các tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự, Trần Bình Trọng, Triệu Nữ Vương, Lê Đình Dương với tâm điểm là đình làng Hải Châu.

“Bảo tàng sống” thể hiện trên bản đồ quy hoạch chung của Đà Nẵng

Với “ranh giới” này, TP nỗ lực giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của nhịp điệu phát triển hiện tại và duy trì các đặc tính của đường phố. “Bảo tàng sống” có đình làng, bờ sông, chợ truyền thống, quảng trường, công viên, nhà thờ, nhà hát…

Trước mắt, ngành văn hóa TP đang xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị các nhà cổ truyền thống, hướng đến bảo tồn kiến trúc Pháp. Tháng 10 vừa qua, UBND TP đã thông qua đề án bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025, trong đó định hướng bảo tồn toàn bộ các yếu tố văn hóa trong khu vực quy hoạch “bảo tàng sống”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.