|
Hội nghị do Bộ VH-TT-DL phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. Nội dung xoay quanh hai vấn đề chính gồm đánh giá 20 năm bảo tồn di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn di sản thế giới ở Việt Nam, cơ hội và thách thức.
Nhiều tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa nhiều bộ ngành từ trung ương đến địa phương, đại diện các khu di sản thế giới và các chuyên gia đã được trình bày tại hội nghị.
Đưa ra nhận định: “Việc bảo tồn cảnh quan cố đô Huế là một bài toán hóc búa”, ông Hùng cho rằng: “Bảo tồn di sản văn hóa không đồng nghĩa là “giữ nguyên hiện trạng” hoặc “ôm khư khư”. Vì thế, ông nói: “Trong hơn một thập niên qua, không dưới 30 công trình có quy mô lớn từ Đại nội tới thành quách và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi di tích được tu bổ… Ba năm trở lại đây, chúng ta đã có điều kiện kinh phí để tu bổ hộ thành hào, nạo vét sông Ngự Hà, di dời gần 500 hộ dân sống ở các khu vực quan trọng của di tích….”.
Đánh giá vai trò, giá trị của di sản Huế, ông Hùng đặt giả thiết: “Nếu tỉnh Thừa Thiên-Huế không có di tích cố đô Huế thì số lượng khách du lịch so với hiện nay là bao nhiêu, diện mạo, cơ cấu kinh tế... của địa phương sẽ như thế nào. Bảo tồn di tích đương nhiên là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng có phải là một gánh nặng hay không… để chúng ta nhận diện đầy đủ vai trò của di tích cố đô Huế”.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế phát biểu: “Năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận với 17 cụm di tích khác nhau thì một vấn đề rất lớn cũng đã đặt ra là làm sao phải có một chiến lược mang tầm quốc gia để bảo tồn các di sản vô giá đang ở trong tình trạng lầm nguy do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai và cả do ý thức của con người”.
Ông Hải cho biết, tổng kinh phí tu bổ trong 15 năm (1996- 2010) trên lĩnh vực tôn tạo di tích Huế là 586.312.000.000 đồng. Trong 3 năm 2011, 2012, 2013, ngân sách tu bổ đạt xấp xỉ 200 tỉ đồng. Các di tích được tu bổ theo nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước Quốc tế. Nhìn lại chặng đường 20 năm bảo tồn và phát huy, di sản văn hóa Huế đã ghi dấu nhiều thành công to lớn trên nhiều phương diện. “Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử dần dần được phục hồi. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững”, ông Hải nói.
GS.TS Takeshi Nakagawa, Giám đốc Viện Di sản Waseda (Nhật Bản), người đã đồng hành cùng hoạt động bảo tồn và phát huy di sản Huế nhiều năm qua, bày tỏ: “Khi nhìn vào hiện trạng của các công trình di tích lịch sử của Huế bị hư hỏng trong chiến tranh, điều cơ bản mà tôi nghĩ đến là có thể trùng tu diện mạo ban đầu công trình. Bản năng đã mách bảo tôi rằng bằng cách kiên trì kết nối các yếu tố cơ bản đang tồn tại ở mỗi công trình, điều này có thể tìm ra được dấu tích lịch sử của các công trình cung điện ở Huế với một mức độ chính xác nhất định…”.
Các chuyên gia quốc tế đã từng ví di tích cố đô Huế là “kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị”. Hoạt động bảo tồn di sản cố đô Huế cần được triển khai khá toàn diện và đảm bảo chất lượng chuyên môn. Việc khai thác di tích được làm tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng nguồn thu để có thêm kinh phí cho việc tu bổ, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương… Di tích phải đánh giá đầy đủ góc độ kinh tế chứ không phải là gánh nặng bảo tồn…
Tuyết Khoa
>> Công bố 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
>> Thanh niên tuyên truyền bảo vệ di sản văn hóa
>> Thêm 13 cây cổ thụ ở Thanh Hóa thành di sản
>> Tháng vàng du lịch di sản Huế
>> Bảo vệ di sản qua tranh vẽ
Bình luận (0)