Tôi hiểu sâu sắc điều đó khi cách đây hai tháng, bất ngờ thấy Tèo lao tới nhà mình. Nó hét lên từ ngoài cửa như tiếng còi xe lửa:
- Cậu ơi, tớ trở thành vĩ nhân, trở thành độc đáo rồi. Tớ nổi tiếng, tớ không còn phải lo cơm ăn áo mặc nữa.
Nghe mới hấp dẫn làm sao. Thử hỏi ai trong chúng ta, có mặt trên cõi đời này, lại không mơ ước như thế? Vừa nổi tiếng vừa no ấm.
Tôi vội hỏi Tèo với lòng ghen tị trào dâng:
- Làm thế nào cậu được như thế? Đoạt giải nhất một cuộc thi truyền hình thực tế à?
Sở dĩ tôi hỏi như vậy vì nghe nói gần đây có nhiều cuộc thi giải nhất đến cả tỉ đồng, trúng một phát là đời lên hương tràn ngập.
Tèo vênh váo:
- Không. Như thế tầm thường. Tớ cao quý hơn nhiều. Tớ được chọn vào danh sách người được bảo tồn!
Tôi trợn mắt:
- Vậy là sao? Xưa nay tớ chỉ nghe bảo tồn kiến trúc, bảo tồn làng nghề, bảo tồn danh lam thắng cảnh chứ bảo tồn người, tớ không hiểu.
Tèo nhìn tôi thương xót:
- Bảo tồn, cũng như mọi thứ trên đời, đều không đứng im mà có sự phát triển. Các nhà nghiên cứu vừa chợt phát hiện ra con người là thứ quý giá nhất chứ không phải nhà cửa, rừng rú. Bảo tồn con người vừa là khoa học, vừa là nhân văn.
Tôi cáu:
- Ừ, nhưng người nào? Bao nhiêu vĩ nhân trong khoa học, trong nghệ thuật đầy ra đấy, cớ gì Tèo được chọn?
Tèo cười:
- Đã là bảo tồn thì phải phong phú. Có bảo tồn làng quê thì cũng có bảo tồn người thường. Tớ là một người thường tiêu biểu, cậu công nhận chứ?
Điều ấy thì tôi công nhận. Tèo vốn không xấu không đẹp, không béo không gầy, không ngu dốt cũng không quá thông minh, không giàu có cũng không quá khổ. Tèo rõ
ràng là điển hình sâu sắc của một người thường.
Tôi ghen tị hỏi tiếp:
- Thế được chọn là người bảo tồn, cậu phải làm gì?
Tèo hét lên sung sướng:
- Chả làm gì hết. Tớ cứ ngồi im cho người ta tham quan, chụp hình, phỏng vấn. Thế là tớ thu lệ phí.
Tôi nghẹn lời:
- Ngon vậy à?
Tèo hí hửng:
- Ngon vô cùng. Nhiệm vụ của tớ là chỉ cần nguyên trạng, thế là vừa nổi tiếng vừa chả phải lao động gì.
Nghe mà ham quá. Tôi vừa mừng cho bạn vừa xót xa cho mình. Bao giờ mới được chọn đây?
Tèo ra về, vừa đi vừa hát. Nó dặn tôi bao giờ cần tiền cứ tới nó mượn.
Sáu tháng sau, Tèo đến nhà tôi, quần áo bù xù, mặt mày thiểu não.
Tôi hốt hoảng la lên:
- Kìa “Tèo bảo tồn”. Tưởng cậu giàu sang, no đủ kia mà?
Tèo nhăn nhó:
- Tớ sợ quá, cậu ơi. Tớ đang muốn làm đơn xin ra khỏi diện bảo tồn.
Tôi kinh ngạc:
- Sao thế?
Tèo sụt sịt:
- Tớ quá ngây thơ, không hiểu nguyên tắc cơ bản của bảo tồn là phải giữ gìn nguyên trạng. Hậu quả là trong thời gian qua, tớ không được tắm, không được thay quần áo mới, không được tự ý cắt tóc, cạo râu. Tớ cũng không có quyền đi đâu thì đi, gặp ai thì gặp mà phải đứng im một chỗ. Tớ chả có quyền thay đổi đồ đạc, sửa sang nhà cửa hay mua sắm bất cứ vật gì dù có tiền. Đấy là mới nói ngoại hình. Về tâm hồn, tớ không được nói tiếng tây, không nên chạy theo những trào lưu hiện đại, đừng ham thích những nền văn hóa chưa qua kiểm nghiệm, hạn chế tiếp xúc với tác phẩm lạ mắt. Tớ phải cư xử khô khan, nghiêm túc, chậm chạp, buồn buồn. Tác phong phải từ tốn, khoan thai, tránh xa các hành vi bộc phát, ngẫu hứng. Tớ êm đềm như dòng sông cạn, lặng lẽ như cành cây khô, trầm ngâm như bức tường rêu, cô đơn như một ông già. Tớ sợ bảo tồn quá. Tớ muốn xin thôi nhưng người ta khuyên cứ bình tĩnh, hãy đợi tới lúc trùng tu!
Lê Hoàng
Bình luận (0)