Hình dung lượng mưa mấy trăm mm là thế nào?
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, "mm" là đơn vị đo lượng mưa được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) quy định và hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng đơn vị này.
Hú vía cây phượng bật gốc, đè ô tô biến dạng ở TP.HCM
Theo ông Quyết, lượng mưa được tính bằng "mm", là bề dày của lớp nước mưa rơi xuống một đơn vị diện tích, trong một đơn vị thời gian, không tính đến tổn hao do bốc hơi, thấm xuống đất.
Phương pháp đo dù thủ công hay tự động cũng đều dùng thiết bị là một bình bằng kim loại được đặt trên một giá cố định, nằm trong vườn khí tượng, hoặc một không gian quan đãng không bị ảnh hưởng mái che. Miệng hứng của thiết bị này tùy theo hãng, khi nước mưa rơi vào trong miệng hứng, sẽ được đo (đong) bằng cốc chuyên dụng, có khắc vạch (mm), nếu là máy tự động, cảm ứng sẽ đo đếm trực tiếp và quy ra lượng mưa.
Về lượng của mưa được tính bằng "mm" thì với một người bình thường sẽ hình dung nôm na nó ra sao? Ông Quyết giải thích, đây là bề dày lớp nước mưa trên bề mặt. "Ví dụ khi báo mưa tại Q.1, lượng mưa 50 mm, thì hãy hình dung nếu lượng mưa 50 mm, tức là lớp nước mưa trên diện tích bề mặt không gian của cả Q.1. Chỗ nào cũng là 5 cm (sẽ quy đổi sang mm), cả chỗ có mái che, đất trống, mái nhà, vườn cây, mặt sông, kênh rạch…. của cả quận.
Như vậy những chỗ như mái nhà, mái che nước mưa sẽ dồn về chỗ trũng (đường, kênh rạch), nên nhiều đoạn đường sẽ do những chỗ khác dồn về thành vài chục cm.", ông Quyết cho hay.
Thông thường với một cơn bão lớn lượng mưa cực đại sẽ ảnh hưởng đến khu vực nào đó, vào thời điểm nào đó phụ thuộc vào địa hình, hình thế. Nếu là tổ hợp các hình thế như bão hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, thời điểm có không khí lạnh ở phía bắc, hoặc gió mùa Tây Nam ở phía nam đang mạnh thì mưa sẽ rất nhiều.
Tuy nhiên, còn tùy thuộc thời gian tồn tại của bão, nếu bão có tốc độ đi chậm, sau khi tan, thành vùng thấp, vùng thấp vẫn tồn tại lâu trên khu vực đó, thì mưa cũng rất nhiều, tổng lượng của đợt mưa kéo dài 2 - 3 ngày của cơn bão gây ra trên đất liền các tỉnh ở nước ta, thông thường từ 400 – 600 mm, có cơn mưa nhiều hơn, lên tới 800 – 1000 mm.
Cũng theo chuyên gia này, với một cơn mưa bình thường, chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một vài giờ, tổng lượng mưa trên 30 mm/giờ gọi là mưa lớn cục bộ. Tổng lượng mưa trên 50 mm/24 giờ gọi là mưa lớn, trong đó từ 50 -100 mm/24 giờ gọi là mưa to, trên 100 mm/24 giờ gọi là mưa rất to. Trừ những nơi ít mưa như Ninh Thuận, còn thông thường hàng năm các nơi trên đất liền nước ta, vẫn gặp những trận mưa có tổng lượng 80 – 120 mm, thỉnh thoảng cũng có trận mưa gần 200 mm chỉ trong 2 – 3 giờ.
Toàn cảnh bão số 6 (Trà Mi): Mưa xối xả ở miền Trung, nước sông khắp nơi dâng cao
Lượng mưa của bão Trà Mi bằng 1 tháng mưa ở TP.HCM
Từ cơn bão Trà Mi (bão số 6), ông Quyết cho biết thêm lượng mưa trong cơn bão được nêu ra theo thời gian mà cơn bão đó ảnh hưởng tới khu vực nào đó. Chẳng hạn cơn bão Trà Mi dự báo khi ảnh hưởng tới khu vực Trung bộ, sẽ gây mưa to đến rất to, lượng mưa từ 7 giờ, ngày 26.10 đến 19 giờ, ngày 29.10 là 700 mm.
Chỉ trong vài ngày, tổng lượng mưa này đạt 700 mm (70 cm) là rất lớn, bởi thông thường những tháng cao điểm mùa mưa, tổng lượng mưa một tháng tại TP.HCM chỉ khoảng từ 300 – 400 mm.
"Hay nói cách khác tổng lượng mưa trong mấy ngày do cơn bão Trà Mi gây ra lớn hơn tổng lượng mưa thông thường của cả 1 tháng ở TP.HCM. Đây được coi là đợt mưa có tổng lượng lớn, nếu trước đó khu vực ảnh hưởng của bão Trà Mi mà mưa đã xảy ra nhiều, độ ẩm trong đất gần như bão hòa, nước trong sông suối, hồ còn đang nhiều mà nhận thêm lượng mưa như vậy thì rất nguy hiểm, sẽ dẫn tới lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, là điều khó tránh khỏi", ông Quyết chia sẻ.
Chuyên gia này thông tin thêm, thông thường ở TP.HCM lượng mưa của trận mưa khoảng 30 – 40 mm là gây ngập. Tuy nhiên, mức độ ngập còn tùy thuộc thời gian xảy ra mưa, nếu lượng mưa 40 – 50 mm nhưng kéo dài nhiều giờ thì nước mưa kịp thoát, chưa chắc đã gây ngập, nhưng nếu chỉ từ 30 mm, thời gian mưa chỉ vài chục phút, hoặc trùng thời điểm triều cường, thì rất dễ gây ngập. Ngoài ra, những tuyến đường mà miệng cống thoát nước khi đó có nhiều rác chắn, làm nước mưa thoát kém, cũng dễ gây ngập.
Bình luận (0)