Bão vào Hải Phòng, Quảng Ninh

19/10/2016 06:25 GMT+7

Dự kiến, bão số 7 - bão Sarika - đổ bộ chủ yếu trên đất liền Quảng Ninh với gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 - 11 trong đêm nay 19.10.

Chiều qua (18.10), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Hải Phòng, Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống bão số 7.
Tại Hải Phòng, Phó thủ tướng yêu cầu chuẩn bị nhiều phương án ứng phó khi cơn bão được đánh giá là mạnh nhất năm 2016 đổ bộ. Tại Quảng Ninh, Phó thủ tướng yêu cầu kêu gọi, thậm chí cưỡng chế vào nơi an toàn tất cả những tàu thuyền còn hoạt động trên biển cũng như người dân ở trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Hai tỉnh sơ tán dân khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, vùng đê biển xung yếu có thể vỡ, bảo vệ các công trình, nhà máy, hầm mỏ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra...
Trong khi đó, theo lệnh của Bộ Quốc phòng, các đơn vị toàn quân vẫn duy trì lực lượng ứng trực với 62.135 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 237.000 dân quân với trên 3.800 phương tiện các loại, trong đó có 8 máy bay và 237 tàu sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ người dân phòng chống bão và làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xấu.
Bão vào trong đêm
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, sau khi đi vào đất liền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) chiều 18.10, bão số 7 đã suy yếu. Đến 16 giờ chiều qua, tâm bão còn cách các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Ninh khoảng 330 km về phía đông nam. Vùng gần tâm bão gió mạnh nhất ở cấp 12 (120 - 135 km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ. Còn theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, đến chiều tối 18.10 bão có dấu hiệu di chuyển chậm lại. Trong 24 - 36 giờ tiếp theo, nhiều khả năng bão sẽ đổi hướng di chuyển từ tây tây bắc sang tây bắc đi vào phía bắc đảo Bạch Long Vĩ, sau đó hướng vào đất liền các tỉnh Hải Phòng đến Quảng Ninh, trong đó chủ yếu trên đất liền Quảng Ninh với gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 - 11. Dự kiến, bão đổ bộ lên đất liền trong đêm 19.10.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 18.10, tại trạm đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp 10. Ở các đảo Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; còn tại núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giật cấp 8. Bắt đầu từ sáng sớm 19.10, vùng biển nam vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị bắt đầu có gió mạnh cấp 6 - 7; giật cấp 8 - 9; biển động mạnh. Khu vực bắc vịnh Bắc bộ, bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng); Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14, biển động dữ dội. Đặc biệt, bão gây ra đợt mưa lớn kéo dài từ 18 - 19.10 ở các tỉnh khu vực đông Bắc bộ gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn với tổng lượng mưa dự báo cả đợt trong khoảng 200 - 300 mm.
Cấm biển, sơ tán hàng vạn người
Đến chiều tối 18.10, tại vùng biển huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP.Hải Phòng gió mạnh cấp 8 - 9, có mưa. Ông Vũ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy, cho biết huyện đã sơ tán 30 hộ ở khu làng cá, 10 ki ốt cùng 52 ngư dân trên các phương tiện trên biển.
Các loại thuyền nhỏ, phương tiện thủy đã được cẩu lên bờ. Tại huyện đảo Cát Hải, 550 khách du lịch đã được bố trí phương tiện để rời đảo Cát Bà về đất liền, các khách sạn được yêu cầu hủy tour trong ngày 18.10, tất cả các tuyến đường thủy nội địa, bến phà đều dừng hoạt động và cấm biển từ 14 giờ ngày 18.10.
Tại H.Tiên Lãng, nông dân và các lực lượng hỗ trợ đã thu hoạch 2.601 ha lúa và hoa màu, đồng thời ra lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 18.10; đưa 343 phương tiện thủy về nơi tránh bão. Địa phương này cũng chuẩn bị xong phương án di tản cho 451 hộ (1.257 người) ở gần các đầm bãi, ven đê...
Tàu đánh cá được neo đậu ở Vân Đồn và TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh Ảnh: Vũ Ngọc Khánh
Tỉnh Quảng Ninh đưa hơn 1.000 người dân sống trên các lồng bè vào bờ; kêu gọi gần 8.100 tàu cá về các bến, khu neo đậu, 534 tàu du lịch đã vào nơi tránh bão. Tại H.Tiên Yên, tuyến đê bao ngăn mặn xã Đồng Rui dài gần 21 km hiện có 5 điểm xung yếu, có nguy cơ tràn, vỡ trong mưa bão đã được gia cố tạm thời và tổ chức lực lượng ứng trực để đảm bảo an toàn cho 750 hộ dân và hơn 1.100 ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía trong đê. UBND H.Cô Tô đã di dời 120 người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi trú bão an toàn. Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho học sinh nghỉ học ngày 19.10.
Trong ngày 18.10, tỉnh Thái Bình gấp rút sơ tán, di dời 3.911 hộ với 13.538 người đang ở khu vực ngoài đê vào trong đê chính trước khi bão vào; hỗ trợ 7.181 hộ với 16.785 người sống trong nhà yếu đến các điểm cư trú an toàn. Còn tại Nam Định, UBND tỉnh yêu cầu đưa toàn bộ tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; di dời toàn bộ 976 lao động ở 887 chòi canh ngao ở các đầm bãi vào đất liền… UBND tỉnh đôn đốc các địa phương chống bão; tập trung khắc phục những khu vực đê kè bị hư hỏng do bão gây ra như đê Hữu Bị (H.Mỹ Lộc), tuyến đê Vị Khê - Hữu Hồng (H.Nam Trực), kè Công Tư, một số điểm trên tuyến đê Giao Thủy (H.Giao Thủy), đê bối Yên Trị (H.Ý Yên)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.