Bảo vật quốc gia: Bia chùa Giàu khắc nổi chân dung hoàng đế thời Trần

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/02/2023 07:51 GMT+7

Bia chùa Giàu được cho là tấm bia thời Trần duy nhất có chạm khắc nổi chân dung một vị hoàng đế thời Trần.


Tấm bia chạm hoàng đế với quý tướng

Bảo vật quốc gia Bia chùa Giàu còn có tên khác là Ngô gia thị bi (Văn bia họ Ngô). Tấm bia bằng đá xanh nguyên khối này đang ở chùa Giàu, tên chữ là chùa Khánh Long, tại TP.Phủ Lý, Hà Nam. Tương truyền, chùa được mở mang xây dựng với quy mô rộng lớn vào thời Trần. Bia đá chùa Giàu được dựng vào năm Bính Ngọ, niên hiệu Đại Trị năm thứ 9 (1366) đời vua Trần Dụ Tông. Bia bị vỡ thành 3 mảnh và đã được gắn lại, một vài vị trí mặt bia có vết trầy xước. Một số đoạn chữ khắc bị mòn, mờ, song vẫn xác định được nội dung ghi chép.

Bảo vật quốc gia: Bia chùa Giàu khắc nổi chân dung  hoàng đế thời Trần - Ảnh 1.

Bia chùa Giàu

Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Ở mặt trước, trán bia vòng cung được chia thành 3 ô. Ô chính giữa tạo thành hình vuông, chạm nổi 4 chữ Hán ý nói đến Ngọc hoàng thượng đế. Theo các nhà nghiên cứu, kiểu bố cục này phổ biến trên nhiều bia thời Lý và thời Trần. Hai ô bên chạm khắc 2 hình rồng đối xứng, trong tư thế đầu rồng ngẩng cao, chầu vào ô chính giữa. Hình rồng ở tư thế uốn 11 khúc mềm mại, thân tròn lẳn, mập mạp, thu nhỏ dần về phía đuôi; đầu rồng có bờm mào dài, mũi cao, sừng chạc, miệng há ngậm ngọc, răng nanh sắc nhọn, mang đặc trưng phong cách rồng thời Trần. Chân rồng chạm khắc 5 móng sắc nhọn, chân trước đỡ lấy cằm nâng viên ngọc báu.

Theo hồ sơ bảo vật, thân bia chạm khắc nổi theo dạng bức phù điêu chân dung một vị hoàng đế, đang ngồi trên ngai rồng, tư thế ngồi chính diện, có vòng hào quang trên đầu, tay ngai chạm đầu rồng. Ngai rồng đặt trên tòa đài sen, các cánh sen uốn cong đối xứng.

Chân dung hoàng đế được chạm khắc trên mặt bia thể hiện địa vị quyền quý rất cao của ngài trong xã hội. Trên đầu ngài đội mũ bình thiên, chính giữa mũ nổi hình tròn biểu trưng cho mặt trời. Khuôn mặt của ngài chạm khắc theo các nét quý tướng: mắt xếch, lông mày rậm, mũi thẳng nhô cao, có ria mép, dáng vẻ quắc thước, hai tai to chảy dài xuống. Chính giữa lớp áo ngoài có ba dải chạy thẳng xuống tới chân, trong đó dải ở giữa có chữ "vương" trong khung hình tròn. Hai tay hoàng đế cầm "hốt" chắp trước ngực.

Mặt sau khắc chữ Hán thể hiện nội dung bia. Theo đó, có một nhà sư hiệu "Viên tích đại sa môn" đã mất tại đó vào năm Hưng Long thứ 13 (năm 1305) đời vua Trần Nhân Tông. Nhà sư họ Ngô, hiệu "Ngộ Không cư sĩ" đã quyết định an táng nhà sư "Viên tích đại sa môn" và dựng nhà tại đây. Phần còn lại ghi chép họ và tên người cúng tiến ruộng ao cho chùa.

Bảo vật quốc gia: Bia chùa Giàu khắc nổi chân dung  hoàng đế thời Trần - Ảnh 2.

Mặt trước bia chùa Giàu

Tư liệu bản dập của Bảo tàng tỉnh Hà Nam

Phật hoàng Trần Nhân Tông và tam giáo đồng nguyên

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá đây là tấm bia thời Trần duy nhất có chạm khắc nổi chân dung một vị hoàng đế thời Trần, là một tác phẩm mỹ thuật độc đáo quý hiếm thời Trần ở Hà Nam nói riêng cũng như cả nước nói chung. Một số nhà nghiên cứu khảo cổ, mỹ thuật, căn cứ trên hình tượng điêu khắc trên bia như: ngai, mũ, trang phục, có đưa ra nhiều giả thuyết còn chưa ngã ngũ về người được khắc chân dung. Đó có thể là Ngọc hoàng, là Ngộ Không cư sĩ (người được nhắc tới trong nội dung bia ở mặt sau), và có thể là chân dung của Hoàng đế Trần Nhân Tông. Hoàng đế Trần Nhân Tông là tổ của Thiền phái Trúc Lâm, tức vua đã hóa Phật, hay là Phật tái thế. Do đó, bức chân dung chùa Giàu có tư thế và trang phục vua, có đài sen và hào quang của Phật là phù hợp với chân dung vua Trần Nhân Tông. Nếu đúng chân dung vua Trần Nhân Tông thì đây chính là hình ảnh vua VN sớm nhất hiện nay được biết, là mẫu cho các tượng vua và Ngọc hoàng được tạo dựng vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17.

Theo hồ sơ bảo vật, tấm bia chùa Giàu này cung cấp thông tin về địa danh hành chính. Đây là tấm bia đầu tiên nhắc đến đơn vị hành chính "Lợi Nhân lộ" mà các tư liệu hiện biết đến nay không nhắc tới trong hệ thống tổ chức hành chính nhà Trần. Lộ là đơn vị hành chính có từ thời Lý; sau khi giành được chính quyền, nhà Trần đã phân chia lại Đại Việt thành 12 lộ thay vì 24 lộ như ở thời Lý.

Bảo vật quốc gia: Bia chùa Giàu khắc nổi chân dung  hoàng đế thời Trần - Ảnh 3.

Chi tiết chạm khắc trang trí trên trán bia

Tư liệu bản dập của Bảo tàng tỉnh Hà Nam

Ngoài ra, nội dung văn bia còn cho biết, chế độ sở hữu ruộng đất, đơn vị đo đường, vai trò của Đạo giáo và Phật giáo thời Trần, nguồn gốc các dòng họ, chức vụ quản lý cấp cơ sở (xã), phân bố dân cư giữa người Kinh và người thiểu số vào thời Trần ở nơi đây...

Đề tài trang trí bia chùa Giàu thể hiện sự dung hòa, hòa hợp tôn giáo thời Trần, là minh chứng rõ nhất cho tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên".

Toàn bộ nội dung văn bia nói đến việc xây dựng chùa, tuy nhiên, phần mỹ thuật được chạm khắc ở chân bia thể hiện tư tưởng của Đạo giáo, đó là hình ảnh các lá đề được chạm khắc trong đó có lồng vật biểu trưng của đạo giáo, đó là hình tượng các cặp sừng tê.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.