Bảo vật quốc gia: Đầu rồng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/02/2023 07:22 GMT+7

Đầu rồng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long là sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần.

Một trong hai đầu rồng thời Trần nguyên vẹn nhất

Bảo vật quốc gia Đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long có mã định danh hiện vật là Đầu rồng C7-5201. Đầu rồng này được phát hiện tại khu vực phát hiện dấu vết kiến trúc bát giác tại Hoàng thành. Tư liệu khảo cổ học cho thấy khi mới xuất lộ tượng còn đủ dáng. Phần bờm bị vỡ và mất một số mảnh nhỏ; các phần khác còn lại tương đối nguyên.

Sau khi phát hiện, hiện vật được đưa lên khỏi hố, làm sạch, đặt ký hiệu, lập hồ sơ và được gắn chắp phần vỡ, phục nguyên phần vỡ bằng bột đá và keo hai thành phần. Phần phục chế được làm lại màu với sắc độ có chút khác biệt so với phần nguyên. Năm 2014, Viện Khảo cổ học bàn giao Đầu rồng C7-5201 cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thống nhất quản lý, trưng bày, giới thiệu.

Theo hồ sơ bảo vật, Đầu rồng C7-5201 là khối tượng tròn, cao 60 cm. Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Đầu rồng có má phình rộng; miệng mở to, ngậm ngọc báu, răng thể hiện rõ ràng; mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S. Răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa. Lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn lên môi trên theo mào lửa. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên. Tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm. Thân phủ kín vảy.

Bảo vật quốc gia: Đầu rồng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 1.

Đầu rồng C7-5201

Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Theo các nhà khảo cổ, tính đến nay Thăng Long là nơi phát hiện nhiều tiêu bản rồng nhất. Về vị trí đặt tượng trên bộ mái, tượng đầu rồng trang trí ở hai vị trí. Vị trí thứ nhất là đầu rồng trang trí ở đầu kìm, tức là ở đỉnh đầu hồi của công trình, tượng trang trí ở vị trí này thường được gọi là con Kìm; còn vị trí thứ hai là ở điểm kết thúc của bờ chảy. Ở vị trí này tượng thường được gọi chung là con Sô. Đầu rồng Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm thứ nhất, tức con Kìm.

Theo hồ sơ bảo vật, so sánh với các tiêu bản khác hiện biết, Đầu rồng Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm có kích thước lớn. Phiên bản đầu rồng lớn nhất hiện biết là đầu rồng thời Lý phát hiện tại hố A11 Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu thuộc Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Tiêu bản này chỉ còn phần mào, đã được phục nguyên chiều cao tượng 110 cm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các nhà khảo cổ, hiện loại tượng đầu rồng cỡ lớn của thời Trần có chức năng con Kìm được phát hiện ở các địa điểm: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Tam Đường (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định), lăng Tư Phúc (Quảng Ninh). Trong số này hai phiên bản còn tương đối nguyên vẹn là bản tại Tam Đường và phiên bản Đầu rồng C7-5201. Như vậy có thể thấy, Đầu rồng C7-5201 hiện lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long là một trong hai đầu rồng còn nguyên vẹn nhất trong bộ sưu tập đầu rồng của thời Trần hiện biết.

Tiếp nối của kiến trúc

Tại khu vực 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ đã phát hiện một hệ thống kiến trúc thời Lý có quy mô lớn, kết nối liên hoàn tạo thành một quần thể khép kín. Hệ thống công trình kiến trúc thời Lý này được thời Trần tu bổ, sửa chữa và tiếp tục sử dụng. Tùy vào vai trò và vị trí của mỗi công trình kiến trúc mà nó được trang trí khác nhau, những kiến trúc quan trọng đều được trang trí hết sức cầu kỳ, tinh xảo, đặc biệt là bộ mái kiến trúc. Đầu rồng C7-5201 này được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, Trần. Nó là tư liệu có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ 11 - 12.

Đầu rồng C7-5201 phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long là vật liệu trang trí ở vị trí con Kìm, được đặt trên mái công trình kiến trúc với hàm ý cầu cho công trình tránh được hỏa hoạn. Tuy nhiên, mặc dù cùng gọi là Long Vẫn (đầu rồng), nhưng so sánh giữa Long Vẫn thời Lý, Trần với Long Vẫn thời Tống có thể thấy sự khác biệt rất quan trọng giữa các hình tượng này. Nếu phần trước của Long Vẫn trong kiến trúc Trung Hoa thời Tống, miệng rồng há rộng ngậm lấy bò nóc thì trong kiến trúc Lý, Trần, bò nóc được tạo thành như một thân rồng, phần đầu vươn lên cao, hướng vào giữa, tạo tư thế bay lượn lên trên. Như vậy, Đầu rồng C7-5201 phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho sự khác biệt trong nghệ thuật trang trí của kiến trúc Đại Việt thời Lý, Trần.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết Đầu rồng C7-5201 cũng là minh chứng cho sự kế thừa và tiếp nối Thăng Long của nhà Trần.

Cụ thể, đầu rồng này có vị trí xuất hiện trong lớp nền sân cải tạo, sửa chữa sân phía tây của kiến trúc bát giác của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần. Hiện vật này cùng các dấu vết cải tạo, sửa chữa bó nền của bát giác cho thấy, đến thời Trần, bát giác đã được cải tạo sửa chữa, thậm chí phần mái có thể được làm lại và Đầu rồng C7-5201 là minh chứng xác thực cho việc ấy.

Hồ sơ cho biết: "Đầu rồng C7-5201 cùng với đầu rồng phát hiện tại Tam Đường là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, qua đây cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.