Bảo vật quốc gia: Bộ sưu tập cột kinh Phật đá xanh tạc từ thời Đinh

30/04/2024 08:01 GMT+7

Hơn 1.000 năm trước, Nam việt vương Đinh Khuông Liễn, con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng, cho tạc bộ cột kinh bằng đá xanh, nội dung khắc trên các cột kinh là kinh Phật và lạc khoản. Đây là bộ cột kinh thời Đinh duy nhất của VN.

Bộ cột kinh Phật ngàn năm

Tính nguyên gốc và độc bản của bộ cột kinh thời Đinh đã giúp cho bộ cột kinh này được công nhận là bảo vật quốc gia vừa qua. Bộ cột kinh này hiện đang được Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cất giữ, và nghiên cứu phục dựng để trưng bày phục vụ người dân, du khách.

Cột kinh Phật thời Đinh hoàn chỉnh

Cột kinh Phật thời Đinh hoàn chỉnh

PHÚC NGƯ

Bộ sưu tập cột kinh Phật hiện có 49 đơn vị hiện vật, trong đó có 23 thân cột, còn lại là các chi tiết khác. Và chỉ có 1 cột kinh còn đầy đủ các chi tiết; các cột kinh khác đều thiếu.

Sau nhiều năm nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình xác định mỗi cột kinh gồm 6 phần ghép lại theo thứ tự từ trên xuống dưới, gồm: chân tảng (cao từ 11 - 15 cm; nặng khoảng 28 kg), chân đế (cao từ 8,5 - 13 cm; nặng khoảng 13,5 kg), thân cột (cao từ 50 - 69 cm; nặng khoảng 40 kg), thớt đệm (cao từ 5 - 6,3 cm; nặng khoảng 7,2 kg), đài sen (cao từ 6 - 9 cm; nặng khoảng 8,5 kg), búp sen (cao khoảng 36 cm; nặng khoảng 6,5 kg).

Thân cột kinh Phật

Thân cột kinh Phật

PHÚC NGƯ

Các cột kinh đều được làm bằng đá xanh. Các bộ phận được gá lắp với nhau qua hệ thống ngõng, dựng thẳng đứng trên mặt đất, không chất kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác.

Cột kinh đầu tiên được phát hiện vào năm 1961, tiếp đó các năm 1963, 1964, 1987 người dân liên tiếp phát hiện các cột kinh qua việc đào đất đắp đê, canh tác nông nghiệp, khai quật khảo cổ học ở địa bàn xã Trường Yên (H.Hoa Lư, Ninh Bình).

Giải mã bí ẩn nội dung cột kinh Phật

Từ những cứ liệu ghi chép trên các cột kinh, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình xác định bộ cột kinh Phật là do Nam việt vương Đinh Khuông Liễn, con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng, cho tạc dựng vào khoảng thời gian từ năm 973 - 979.

Trên các mặt của thân cột kinh khắc văn tự chữ Hán, số chữ được khắc trên mỗi cột khoảng từ 545 - 563 chữ, trong đó phần lạc khoản chiếm khoảng 1/3, còn lại là phần kinh Phật.

Bản sao sưu tập cột kinh Phật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh BìnhẢNH: MINH HẢI

Bản sao sưu tập cột kinh Phật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình

MINH HẢI

Về nội dung khắc trên các cột kinh tương đối giống nhau. Phần kinh Phật đều khắc bài chú phiên âm từ tiếng Phạn trong kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni, còn gọi là Phật Đỉnh Tối Thắng Đà la ni, hay Tối Thắng Phật Đỉnh Đà la ni tĩnh trừ nghiệp chướng chú kinh; phần lạc khoản khắc sau phần bài chú, nội dung cho biết thông tin về họ tên, chức vụ của người cho dựng cột kinh, lý do dựng cột kinh, thông tin cho phép xác định được niên đại dựng cột kinh.

Nội dung trong phần lạc khoản của 1 cột kinh có ghi: "Đệ tử là Suy Thành Thuận Hóa, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiểm hiệu Thái sư, thực ấp một vạn hộ, Nam việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa... Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ... Trước là chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế, mãi mãi trấn giữ trời Nam, vững vàng ngôi báu, thứ đến Khuông Liễn tôi cũng được giữ trọn tước lộc, quyền vị".

Sưu tập cột kinh Phật thời Đinh này là hiện vật độc bản, là sưu tập cột kinh Phật thời Đinh duy nhất của VN. Hình thức bộ cột kinh rất độc đáo không chỉ ở kích thước, mà còn ở cách kết cấu và cấu trúc, thể hiện rõ nét sự khéo léo và thị hiếu tốt trong phong cách và tư duy thẩm mỹ tạo hình.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, cho biết bộ cột kinh thời Đinh có giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hóa, bởi minh văn trên cột kinh là những văn bản chữ Hán, là nguồn sử liệu thành văn duy nhất được lập dưới triều Đinh hiện còn.

Về mặt nội dung, minh văn trên cột kinh cung cấp nhiều thông tin lịch sử quý giá, liên quan đến các vấn đề về tôn giáo, quan hệ xã hội, chế độ ban cấp ruộng đất thời Đinh mà từ trước đến nay chưa từng được phản ánh trong các tài liệu thư tịch khác. Và với niên đại tạo tác hơn 1.000 năm, ghi chép, chuyển tải những thông tin lịch sử đương thời, trong bối cảnh tài liệu về Phật giáo VN thế kỷ 10 hiện còn lại rất ít, thì cột kinh Phật thời Đinh là một tài liệu vô cùng quý hiếm. Có thể coi đây chính là bi ký có niên đại sớm nhất của thời kỳ phong kiến tự chủ trong số các bi ký đã phát hiện được từ trước đến nay.

Cũng theo ông Khang, do không gian Bảo tàng tỉnh Ninh Bình chật hẹp nên chưa thể trưng bày hiện vật thật mà cho làm bản sao của bộ kinh Phật để trưng bày phục vụ du khách, người dân. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.