|
TS Trần Trọng Dương, Viện Hán Nôm đã rất hào hứng đi dự lễ công bố văn bia chùa Long Đọi Sơn là bảo vật quốc gia. Quyết định này được công bố trong lễ hội chùa Long Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam hôm qua (18.4). Đến nơi sớm hơn một ngày, giữa cờ hoa tưng bừng, ông Dương đột nhiên phát hiện tấm văn bia đã bị cào nát nham nhở. “Văn bia chùa Long Đọi Sơn như mặt giặc”, TS Dương “kêu rên” trên trang cá nhân mạng xã hội. Những vết cào còn rất mới này cho thấy bia đã bị những vật cứng tác động.
Đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt...
Cũng theo ông Dương, bà con bán hàng quán trong chùa cho biết Phòng văn hóa huyện đã hăm hở thuê một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt… kỳ cọ mặt bia. Họ làm như vậy để xóa đi rêu phong trên bia, làm vệ sinh bia cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp trọng đại này. “Bảo vật quốc gia đã bị phá hoại nghiêm trọng với một phương thức khá tàn bạo”, ông Dương bức xúc.
|
|
Cùng với bảo vật quốc gia này, nhiều bia trong chùa cũng được “tắm trắng” bằng vật cứng như vậy. Một tấm bia thời Lê đã trắng xóa phần chân vì những vết cào cọ rêu.
Tuy nhiên, là đối tượng chính của cuộc làm sạch rêu mốc, bia Sùng Thiện Diên Linh đã bị thương tổn nhiều nhất. “Những hàng chữ trên bia sau nghìn năm cũng đã mờ, tuy nhiên, giờ nó còn mờ hơn giữa nhằng nhịt vết xước. Rồng đá thời Lý sau khi bị cọ cũng trợt cả da, cả vảy”, ông Dương đánh giá.
Trong khi đó, đây lại là tấm bia vô giá. Vô giá vì đó là tấm văn bia hiếm hoi từ thời Lý còn lại đến ngày nay. Vô giá vì hình thức tuyệt đẹp của chạm khắc, của thư pháp. Cuối cùng nó vô giá vì chính những dòng chữ đã khắc trên đó. Những dòng chữ đó giờ đã mờ lại càng mờ.
“Đó là văn bia hay nhất trong lịch sử. Nó là sử liệu gốc duy nhất về vua Lý Nhân Tông. Trên đó có ngự bút của ngài. Bia cũng tổng kết cuộc đời trị nước của vị vua Lý này. Qua đó, nhà vua hiện lên với tư cách là nhà soạn nhạc đầu tiên, nhà biên kịch vũ đạo, là thư pháp gia, là người khai sinh ra trò múa rối nước”, TS Dương phân tích.
Cũng theo TS Dương, văn bia còn có những sử liệu vô cùng quan trọng về việc dựng đài đèn Quảng Chiếu, chùa Diên Hựu (Một Cột), chùa Dạm, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh. Văn bia cũng cung cấp thông tin về việc chế tạo hạm đội lâu thuyền (thuyền lầu) của triều Lý. Nó cũng đề cập đến hàng loạt các cuộc chiến tranh vệ quốc: chiến tranh chống Tống (sông Như Nguyệt), chiến tranh biên giới phía bắc, chiến tranh ổn định biên giới phía tây và tây nam.
|
Không thể cứu chữa
PGS-TS Tống Trung Tín rất ngạc nhiên khi người ta có thể hành xử như vậy với bia quý Sùng Thiện Diên Linh chùa Long Đọi Sơn. “Nếu dùng vật cứng tác động vào, bia hỏng hết còn gì. Cần loại bỏ rêu, hoặc tu bổ bia, nhất nhất đều phải có ý kiến, phương án của chuyên gia chứ”, PGS-TS Tín nói. Ông Tín chính là Ủy viên Hội đồng khoa học đã thông qua việc bia này trở thành bảo vật quốc gia.
Th.S Phạm Văn Ánh, Viện Văn học cho biết việc tác động đến bia bao giờ cũng phải tính toán sao cho không gây ảnh hưởng xấu. Chính vì thế, khi dập bia (in lại bản khắc của bia), nếu có rêu, người ta cũng chỉ lấy khăn mềm lau đi mà thôi. Tới lúc dập bia, phải bôi chuối chín lên, sau đó mới áp giấy bản rồi mực lên để lấy bản dập. Như thế sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng mặt bia.
Theo KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, việc tẩy rêu mốc, làm sạch bia phải được làm đúng quy trình. Bản thân viện ông đã nghiên cứu nhiều năm, tìm ra những loại hóa chất nào có thể diệt loại nấm mốc, chất bẩn. Chùa Quán Thánh, đền Ngọc Sơn đã thành công, tới đây là bia Văn Miếu sẽ áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ. Điều quan trọng nhất là nhà nghiên cứu phải về tận nơi, lấy mẫu để xác định chuẩn xác chất bẩn và loại rêu đó là những gì.
“Phải phân tích xem mỗi bia có loại nấm gì, rồi mới dùng loại hóa chất diệt nấm tương ứng. Nghiên cứu bia xem tác nhân nào gây hại nó thì trừ nó đi. Cái gì làm bẩn nó thì làm sạch. Chúng tôi hay gặp trường hợp viết bằng bút xóa lên bia thì tẩy bằng cái gì để làm sạch mà vẫn không ăn mòn bia, phải rất kỹ lưỡng”, KTS Vinh phân tích.
Về khả năng tu bổ lại bia này, ông Vinh nói: “Vết xước nó ăn vào rồi làm sao mà cứu được. Coi như đã cắt vào thịt rồi làm sao cứu được nữa. Động đến hiện vật như vậy phải cực kỳ nâng niu”.
Xâm hại kép Do văn bia chùa Đọi đã là bảo vật quốc gia, mọi động chạm tu bổ đến nó đều phải được phép của Cục Di sản. Về việc xâm hại bia, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản cho biết ông sẽ trả lời về vụ việc sau khi Cục có người xuống kiểm tra trực tiếp. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bao giờ Cục Di sản sẽ cử người xuống. Cũng cần lưu ý, việc xâm hại bia đá Sùng Thiện Diên Linh này là một vụ xâm hại kép. Bởi ngoài việc bia là bảo vật quốc gia, bản thân chùa Long Đọi Sơn - nơi có tấm bia cũng là di tích cấp quốc gia. Chùa được công nhận theo Quyết định số 420-QĐ ngày 9.4.1992 của Bộ VH-TT. Chính vì thế, nếu bia đó chưa được xếp hạng bảo vật quốc gia thì vẫn được bảo vệ như một thành tố của di tích quốc gia chùa Long Đọi Sơn. Theo đó, mọi động chạm đến bia đều phải được sự cho phép của Bộ VH-TT-DL. |
Trinh Nguyễn
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 23: Trống đồng đền Hùng khẳng định vị thế tổ tiên
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 22: Bia Sùng Khánh và chuông Bình Lâm
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 21: Tấm bia tôn vinh Phật pháp thời Lý
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 20: Tấm bia quý thời Lý
Bình luận (0)