Bảo vật quốc gia - Kỳ 6: Tượng đá ẩn mình trốn giặc

09/01/2014 03:30 GMT+7

Tượng Phật Adiđà bằng đá thời Lý ở chùa Ngô Xá (Nam Định) có mấy trăm năm ẩn mình dưới lớp sơn son, thếp vàng như một tượng gỗ bình thường để lưu lại cho kho tàng bảo vật quốc gia một khuôn mặt Phật độc đáo.

>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 5: Thạp Hợp Minh - Quan tài cho người quyền quý
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 4: Trống đồng Cẩm Giang
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 3: Chân đèn, lư hương thời Mạc

Pho tượng Phật bằng đá thời Lý - Ảnh: Hoàng Long
Pho tượng Phật bằng đá thời Lý - Ảnh: Hoàng Long 

Giả làm tượng gỗ

Tượng hiện đang được thờ tại chùa Ngô Xá (tên chữ là “Phi Lai tự”) ở thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Các cuộc khai quật, khảo cổ bắt đầu vào những năm 1960 - 1970 tại đây đã phát hiện một lượng lớn lên tới hơn 200 hiện vật bằng nhiều chất liệu, liên quan đến Phật giáo thời Lý. Tuy nhiên, điều mà các nhà nghiên cứu, khảo cổ quan tâm nhất là tượng Phật, dù các mảnh vỡ lại không hề thấy xuất hiện.

Theo tư liệu để lại của nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Phương, một cán bộ khảo cổ có mặt trong suốt quá trình khai quật, khảo cổ và tìm kiếm kéo dài suốt mấy thập niên ở phế tích tháp cổ Chương Sơn, dấu tích của tượng Phật thời Lý lần đầu tiên hé lộ vào khoảng những năm 1980 khi tìm thấy tấm bia cổ Tái tạo Sơn Chương tự bia ký. Từ dòng ghi chú trên bia, các nhà nghiên cứu tiếp tục đào bới, tìm kiếm dưới lòng đất nhưng đã bắt đầu chú ý tới các hiện vật trong chùa, nhất là các tượng Phật đang được thờ tại chùa Ngô Xá. Bức màn bí mật về pho tượng quý này bắt đầu hé lộ khi một nhà khảo cổ tình cờ gõ tay vào một bức tượng Phật và thấy phát ra âm thanh trầm đục như gõ vào đá, chứ không bồm bộp như khi gõ vào các tượng gỗ. Sau khi bóc hết lớp sơn son, thếp vàng trên thân tượng, cuối cùng lộ ra một pho tượng bằng đá xám mịn, được điêu khắc rất tinh xảo, hình thức còn khá nguyên vẹn.

Rất nhanh sau đó, các nhà khảo cổ xác định được đây là pho tượng đá có niên đại thời Lý, cùng với tượng Phật bằng đá ở chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh, là một trong 2 bức tượng Phật đá thời Lý hiếm hoi được tìm thấy ở nước ta.

Như vậy, để trốn tránh giặc Nguyên Mông, sau đó là giặc Minh sang xâm chiếm, tàn phá đình chùa nước ta, tượng Phật bằng đá ở chùa Ngô Xá đã được khoác lên mình tấm áo sơn son, thếp vàng như hàng vạn các tượng gỗ khác và ẩn mình suốt mấy trăm năm trong đám tượng gỗ ở chùa Ngô Xá.

Mặt tượng Phật gần với đời thường

Tượng Phật bằng đá chùa Ngô Xá có chất liệu là đá khối màu xám xanh (đá cát). Về kích thước, tượng có tổng thể bệ và tượng cao 2 m. Trong đó, phần tượng cao 0,92 m, hai đầu gối khuỳnh rộng 0,72 m, phần bệ cao 1,08 m, bệ sen có đường kính 0,76 m.

Tượng có khuôn mặt và dáng hình nam giới, ngồi trong tư thế thiền định, hai chân xếp bằng, đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước. Tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi (nhục khấu). Đầu tượng và thân tượng ghép với nhau bằng mộng (có thể tháo rời). Mình tượng thon thả, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Thân tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề.

Bệ tượng có phần trên là đài sen dùng để đặt tượng. Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế.

Dưới đài sen là chân bệ hình bát giác, hình chóp cụt, gồm 2  bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to sen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Phương, tượng Phật bằng đá tại chùa Ngô Xá và tượng Phật chùa Phật Tích về phong cách nghệ thuật cùng bị chi phối bởi một công thức của tượng Phật triều Lý thế kỷ 12, nhưng tượng Phật chùa Ngô Xá có nét riêng độc đáo mà không một bức tượng Phật nào có được. Đó là khuôn mặt của tượng không bầu bầu theo kiểu ước lệ như các tượng khác mà hơi gầy, lông mày không giao nhau, sống mũi hơi lõm ở chỗ giữa hai khóe mắt, nhân trung lớn và có 2 vòng tròn ở 2 bên. Đặc biệt, tai tượng không chảy mà gọn gàng như người thật. Vì vậy, đứng trước tượng Phật, người xem có cảm giác đang gặp một khuôn mặt rất gần với đời thường, trông giống như khuôn mặt của người Việt, mang đậm tính dân tộc.

Ngoài ra, phần cổ bệ chạm hình sư tử, lớp cánh sen lật úp phía dưới cổ bệ và 2 bên đài sen có mộng để lắp ghép cũng là những điểm nhấn cho tính độc bản của pho tượng này.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Lâm Biền, bảo tháp Chương Sơn được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1108 và khánh thành năm 1117, đầu thế kỷ 15 bị giặc Minh phá hủy. Tấm bia Tái tạo Sơn Chương tự bia ký soạn năm Cảnh Trị nguyên niên (1670) tại chùa Ngô Xá có đoạn ghi: “Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hủy các tượng Phật bằng đá, chỉ còn tượng thần trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi”. Như vậy, tượng Phật bằng đá này có niên đại đầu thế kỷ 12 (trong khoảng từ năm 1108 đến năm 1117) và vốn được đặt tại tầng thứ 2 của tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá. Căn cứ vào tư liệu và lịch sử xây dựng chùa Ngô Xá, có thể vào thời Hậu Lê pho tượng này đã được nhân dân chuyển từ đỉnh núi Ngô Xá xuống thờ trong chùa như hiện nay.

Hoàng Long

>> Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 5: Bộ mộc bản gần 300 năm tuổi
>> Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 4: Thập Bát La Hán cổ tượng
>> Tinh hoa cổ vật Phật Giáo - Kỳ 3: Oai linh chuông Đà Sơn
>> Tinh hoa cổ vật Phật giáo
>> Triển lãm ‘Tinh hoa cổ vật Phật giáo’
>> Cổ vật quý tại lăng vua Tự Đức bị mất trộm
>> Hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng
>> Bảo vật quốc gia - Kỳ 2: Huyền thoại quả chuông đồng thời loạn
>> Bảo vật quốc gia - Tượng rồng đá kỳ lạ
>> Tranh cãi tên gọi bảo vật quốc gia: Rồng hay Rắn?
>> 37 bảo vật quốc gia
>> Nhiều bảo vật quốc gia mang dấu ấn địa phương rõ nét

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.