Bảo vật quốc gia: Mukhalinga Ba Thê với khuôn mặt thần môi dày, mũi thấp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/02/2023 06:38 GMT+7

Mukhalinga Ba Thê thể hiện thần Shiva với môi dày, mũi thấp, mang dấu ấn nhân chủng bản địa rõ rệt.

Linga với tỷ lệ khác biệt

Bảo vật quốc gia Mukhalinga Ba Thê được phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê (H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và được cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh An Giang đưa về trong năm 1986.

Hiện vật cao 91 cm, chất liệu sa thạch hạt mịn màu xám đen, bề mặt có lớp patin màu xám ghi sáng. Hiện vật được xác định niên đại thế kỷ 6, cũng là niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện biểu tượng mukha (khuôn mặt) trong văn hóa Óc Eo ở Nam bộ.

Bảo vật quốc gia: Mukhalinga Ba Thê với khuôn mặt thần môi dày, mũi thấp - Ảnh 1.

Khuôn mặt thần Shiva mang dấu ấn bản địa với môi dày, mũi thấp

Linga có cùng gốc từ với langala có nghĩa là cái cày, là dương vật, là biểu tượng của sự sinh sản, của nguồn sống. Nó cũng tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý luân hồi. Linga còn là biểu tượng của trung tâm, cũng là một biểu tượng trục. Vì vậy, linga là vật thờ chính trong một ngôi đền hay nhóm kiến trúc đền, cũng như được đặt vào trong "hố thờ". Mukha trong tiếng Phạn có nghĩa là khuôn mặt. Mukhalinga là loại linga 3 phần có khuôn mặt, trong đó phần hình trụ tròn có khắc một khuôn mặt thần Shiva dưới dạng phù điêu.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết Mukhalinga Ba Thê là một linga 3 phần đều nhau trong tổng thể hình trụ vuông thuôn dài. Phần đầu hiện vật có hình trụ tròn thuôn dài, đầu hình khối tròn đều, thể hiện đường khâu quy đầu của dương vật tả thực với gờ nổi giới hạn với phần nối ra từ đỉnh tỏa cong xuống hai bên. Bên dưới đường khâu là phù điêu thể hiện phần đầu của thần Shiva có búi tóc, trên đỉnh là một đường gờ nổi chạy thẳng lên điểm giao của hai đường khâu quy đầu. Phần giữa hiện vật hình khối trụ bát giác với các mặt làm cân đối và theo đúng các trục phương hướng. Phần dưới cùng của hiện vật là khối hình trụ vuông, hình dạng vuông vắn, cân đối với các bề mặt phẳng đều đặn.

Bảo vật quốc gia: Mukhalinga Ba Thê với khuôn mặt thần môi dày, mũi thấp - Ảnh 2.

Mặt nghiêng bên trái phía trước của Mukhalinga Ba Thê

Phù điêu thần Shiva mô tả phần đầu có tóc xếp thành hai nếp tỏa đều ra hai bên, giữa búi tròn, ở trên có đường gờ nhọn nối thẳng lên đỉnh đầu linga biểu thị cho đường quy đầu rất tả thực. Khuôn mặt thần Shiva tròn đầy đặn với các chi tiết mắt, mũi, miệng rõ nét, tai dài có đeo khuyên lớn.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, có 15 hiện vật Mukhalinga thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam bộ được phát hiện ở các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An và Tây Ninh. Trong số này, có 14 hiện vật có 3 phần đều nhau. Riêng Mukhalinga Ba Thê về tỷ lệ kích thước có sự khác biệt, với các đoạn cấu thành dài hơn so với chiều rộng tạo cho linga có dáng dài hơn so với những hiện vật cùng loại.

Cũng theo hồ sơ, phần đầu Mukhalinga Ba Thê thể hiện có tính tả thực cao với đường quy đầu là khối chạm nổi nối liền lên đỉnh đầu tròn. Do đó, nó vừa là hiện vật tiêu biểu cho loại hình linga có cấu trúc 3 phần theo quy chuẩn cao của Ấn Độ giáo, song vẫn mang phong cách thể hiện đơn giản của nhóm linga hiện thực.

Giao lưu văn hóa khu vực và bản địa

Theo tư liệu của Bảo tàng An Giang, trong khu vực Đông Nam Á, cùng với Mukhalinga Ba Thê còn có 2 hiện vật khác có cấu trúc linga 3 phần thuôn dài hơn so với bình thường. Đó là hiện vật được phát hiện ở miền Nam Thái Lan Mukhalinga Nong Wai và Ban Khok Wat (niên đại thế kỷ 5). "Như vậy, trên bình diện khu vực thì loại hình linga 3 phần có dáng thuôn dài cũng rất hiếm. Ở Nam bộ nói riêng và VN nói chung, đây là hiện vật duy nhất", bảo tàng cho biết.

Bảo vật quốc gia: Mukhalinga Ba Thê với khuôn mặt thần môi dày, mũi thấp - Ảnh 3.

Mặt trước của Mukhalinga Ba Thê

Tư liệu Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL)

Về kích thước thuôn dài khác biệt của Mukhalinga Ba Thê, các nhà khoa học cho rằng đây là "gạch nối" giữa giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo (với các linga hiện thực đơn giản) và giai đoạn tiếp theo (với các linga 3 phần có mức độ quy chuẩn chặt chẽ về mặt tỷ lệ hình học cao hơn hẳn).

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao giá trị của phù điêu thần Shiva trên Mukhalinga Ba Thê. Cụ thể, khuôn mặt thần được thể hiện đầy đặn, nét môi dày với mũi thấp ít, nhiều thể hiện dấu ấn nhân chủng mang tính địa phương hóa hay bản địa hóa rõ rệt. Biểu tượng đầu thần này cũng rất hài hòa với khối cấu trúc toàn thể của Mukhalinga, từ đó phản ánh sự phát triển cao của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc đá thời kỳ văn hóa Óc Eo trên miền đồng bằng châu thổ sông Mê Kông.

Trên bình diện khu vực, hiện vật Mukhalinga Ba Thê không giống với những hiện vật cùng loại đã được phát hiện và biết đến ở Đông Nam Á cho đến nay. Chẳng hạn, nếu so với Mukhalinga Nong Wai sẽ thấy sự khác nhau ở dấu ấn địa phương của bảo vật tại Ba Thê, mà khuôn mặt thần Shiva là một ví dụ.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, nội dung tôn giáo và hình mẫu thể hiện mang đậm nét ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trên Mukhalinga Ba Thê, phản ánh mối quan hệ lịch sử trao đổi văn hóa diễn ra trong thời gian dài và mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ. Nó cũng góp phần làm rõ nét hơn cho diện mạo khu di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang) vốn được nhận thức là một trung tâm dân cư, kinh tế, văn hóa phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.