Hai bảo vật này có niên đại hơn 1.000 năm, độc bản, có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật Champa được tìm thấy tại phế tích tháp Trà Liên (xã Triệu Giang, H.Triệu Phong, Quảng Trị).
Độc nhất vô nhị
Phù điêu Trà Liên 1 có hình bán nguyệt, được làm từ đá sa phiến thạch, mặt trước chạm hình thần mặt trời Surya và 2 trợ thủ, bên dưới bệ có hình 7 đầu ngựa tượng trưng cho 7 ngày, ứng với mỗi đầu ngựa là một đôi chân trước. Còn phù điêu Trà Liên 2 cũng được làm từ đá sa phiến nhưng toàn bộ mặt trước thể hiện 3 mảng: 2 mảng chính thể hiện bởi 2 hình tượng Siva và Uma chạm nổi trong khung hình bán nguyệt khoét lõm xuống so với bề mặt; một mảng phụ khác thể hiện hình tượng cây vũ trụ với kỹ thuật chạm chìm nằm phía trên đầu, giữa 2 mảng chính.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Champa, TS Trần Kỳ Phương cho rằng đây là hai tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không lặp lại. Giá trị cao của nó còn nằm ở niên đại khá sớm, thế kỷ thứ 9.
PGS-TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học, cũng cho biết ông rất mê hai bức phù điêu này. Ông Phụng thậm chí còn lấy ảnh chụp phù điêu Trà Liên 2 làm ảnh bìa cho cuốn sách có tên Đối thoại với nền văn hóa cổ Chămpa của mình. “Đó là cuộc thảo luận của thần Shiva với vợ thần Shiva, họ ngồi dưới gốc cây thần. Hai vợ chồng là tính hai mặt của thần Shiva ngồi dưới gốc cây có bệ thờ, đang giảng kinh sách dưới gốc cây cổ thụ. Tấm còn lại là ba người với cỗ ngựa, đó là một tích cổ trong Bà la môn giáo. Cả hai được phát hiện ở phế tích Champa ở Quảng Trị”, ông Phụng cho biết. Cũng theo ông Phụng, 2 phù điêu đó khi được dựng ở Bảo tàng Quảng Trị sát nhau. Tuy nhiên, chúng là tấm phù điêu trang trí vòm cửa tháp thuộc hai tháp khác nhau.
PGS-TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng cách thể hiện thần Surya, một trong ba vị thần Vệ Đà tối cao, trên phù điêu Trà Liên 1 cho đến nay là độc nhất vô nhị trong nghệ thuật Champa. Ông thậm chí còn cho rằng nó độc nhất ở cả các quốc gia cổ đại Đông Nam Á nữa. Tấm phù điêu thể hiện vị thần này cùng hai người vợ giống hệt nhau trên cỗ xe mặt trời. Bộ y phục của thần không hề giống với bất kỳ bộ y phục nam và nữ thần nào trong nghệ thuật điêu khắc cổ Champa. Thần không mặc quần hay quấn váy mà mặc ở bên trong một loại váy dài và khoác ở ngoài một chiếc áo thụng tay dài. Đây có thể nói là tác phẩm điêu khắc độc nhất thể hiện vị thần mặt trời.
|
Trưng bày cùng... cỏ dại, rêu mốc
2 bảo vật này mang tiếng là được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Quảng Trị nhưng thực tế chúng đang phơi mưa phơi nắng và đứng chung với cỏ dại nhiều năm qua. Đến nỗi, nếu đến Bảo tàng Quảng Trị vào lúc này, thật khó để người ta tin rằng 2 bức phù điêu đó là... bảo vật quốc gia. Rêu mốc bám đầy lên bề mặt 2 bức phù điêu và không khó để nhìn thấy những mảng nứt nẻ, xuống cấp của chúng.
Trao đổi với Thanh Niên ông Lê Đình Hào, Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị, cho hay dù rất mừng vui, tự hào vì có 2 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng bản thân ông và đơn vị đang lo lắng để tìm cách bảo quản, trưng bày xứng đáng với chúng, tránh bị xuống cấp. “Là bảo vật quốc gia mà được trưng bày, bảo quản như thế này thì đúng là không chấp nhận được. Từ trước, năm nào chúng tôi cũng trình xin kinh phí để làm mái che nhưng đều bị... gạch bỏ dù chỉ vài chục triệu đồng. Năm 2016 này, chúng tôi đã tiếp tục gửi văn bản và trực tiếp thuyết trình trước Sở Tài chính và UBND tỉnh về sự cấp bách của việc xây dựng mái che để bảo vệ bảo vật quốc gia một cách lâu dài”, ông Hào nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, cũng là người có công tìm kiếm, sưu tầm 2 bức phù điêu, cho hay: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã có nhiều ý tưởng về việc xây dựng hệ thống mái che. Có đề xuất về việc làm mái che bằng ngói, làm hệ thống nhà rường truyền thống để che cho cổ vật trưng bày ngoài trời... nhưng chưa bao giờ thực hiện được vì... không có tiền. Đây là bài toán khó cho ngành văn hóa và nhiều khi chúng tôi cũng lực bất tòng tâm”.
Về hiện trạng đang phơi mưa nắng của 2 bức phù điêu, PGS-TS Lê Đình Phụng cho rằng: “Tốt nhất là phải đưa vào trưng bày ở trong nhà. Bây giờ đã là bảo vật quốc gia rồi, phải đưa vào trong nhà, bảo quản như các hiện vật trong Bảo tàng Đà Nẵng ấy”.
Còn ông Trần Kỳ Phương gợi ý: “Chỉ cần che nắng che mưa là được rồi. Bảo tàng Champa ở Đà Nẵng cũng có hiện vật sa thạch ở ngoài trời. Nhưng phải chùi rửa rêu mốc định kỳ cẩn thận, khoa học. Sa thạch hút nước nên tốt hơn hết đừng để ngoài trời. Nắng không sao, nhưng mưa nhiều quá thì bị rêu mốc. Vì thế nên làm cho nó một mái che đẹp”.
|
Bình luận (0)