Béo phì trẻ em đang trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại khi mà cuộc sống hiện đại trở thành một trong những thủ phạm nguy hiểm.
Khuyến khích trẻ đi bộ giúp trẻ tránh nguy cơ thừa cân, béo phì - Ảnh: Shutterstock |
Trong một cuộc khảo sát các đối tượng từ 5 -17 tuổi do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tiến hành, 70% thanh thiếu niên béo phì có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện trẻ em thừa cân khi lớn lên có xu hướng thiếu lòng tự trọng, kèm theo đó là sự gia tăng những nỗi buồn, sự cô đơn và lo lắng. Họ cũng có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi nguy cơ cao như hút thuốc hay uống rượu.
Để giúp con tránh được nguy cơ béo phì, các công bố, bà mẹ có thể áp dụng 5 chiến lược mà các nhà khoa học đã chứng minh có thể giúp thúc đẩy trẻ em phát triển khỏe mạnh, cân đối.
Cân nặng của một đứa trẻ sinh ra được quyết định bởi trọng lượng của người mẹ khi mang thai - Ảnh: Shutterstock
|
Hạn chế tăng cân khi mang thai
GS.TS David Ludwig của Trường Y Harvard (Mỹ) và các cộng sự của ông phát hiện rằng tăng cân quá mức trong thai kỳ đặt đứa trẻ vào nguy cơ béo phì khi lớn lên.
Ludwig và đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu 513.501 bà mẹ và 1,1 triệu trẻ em mà họ sinh ra trong khoảng thời gian 15 năm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những thai phụ có trọng lượng tăng trên 22 kg, khả năng sinh ra những đứa con bị thừa cân cao gấp hai lần so với phụ nữ chỉ tăng từ 10-12 kg. Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Lancet vào năm 2010.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cân nặng của một đứa trẻ sinh ra được quyết định bởi trọng lượng của người mẹ ngay cả trước khi mang thai.
Một nghiên cứu khác được công bố trên chuyên san European Journal of Pediatrics năm 2010 cho thấy, người mẹ thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai, đứa trẻ khi sinh ra, nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì cao gấp 4 lần. Vì vậy, cách tốt nhất để có những đứa con khỏe mạnh cân đối, người mẹ cần biết cách kiểm soát trọng lượng trước và trong khi mang thai.
Giám sát lượng calo
Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Archives of Pediatrics & Adolescent Medicine năm 2011 cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ thường xuyên quan tâm, chú ý đến khẩu phần thức ăn, chúng ít có nguy cơ thừa cân hay béo phì. Về cơ bản, muốn con thông minh, khỏe mạnh, cha mẹ hãy trở thành một “cảnh sát thực phẩm”.
Đi bộ đến trường là cách đơn giản giúp tăng cường hoạt động hằng ngày của trẻ - Ảnh: Shutterstock
|
Khuyến khích trẻ đi bộ
Theo Lifescript, đi bộ đến trường là cách đơn giản nhưng lại có hiệu quả giúp tăng cường hoạt động hằng ngày của trẻ. Và điều này sẽ thú vị hơn nếu giúp trẻ thực hiện thói quen này cùng một nhóm.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí BMC Public Health năm 2009 cho thấy những trẻ em tham gia vào hoạt động đi bộ có thể giúp tăng hoạt động thể lực tổng thể lên đến 12%. Nếu cảm thấy không an toàn khi cho con đi bộ đến trường, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con có ít nhất 60 phút vận động mỗi ngày.
Ăn nhiều rau xanh
Đừng nghĩ rằng trẻ em được lập trình để ghét trái cây và rau quả. Một nghiên cứu năm 2011 tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) phát hiện ra rằng khi các giáo viên nói lên giá trị của các loại trái cây và rau quả cho học trò nghe, lập tức có ảnh hưởng tích cực đến thái độ của chúng đối với nhóm thực phẩm này.
Các chương trình dinh dưỡng học trên lớp cần được giảng dạy bằng những phương pháp sống động sẽ có tác dụng giáo dục trẻ em về những giá trị của các loại trái cây và rau quả, các chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ cho biết.
Giúp trẻ tránh soda và thức uống có đường
Lượng calo trẻ em tiêu thụ từ soda và đồ uống có đường khác - bao gồm các loại nước ép trái cây - có chiều hướng tăng lên từ giữa những năm 1960, theo một nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ) công bố trên chuyên san Physiology & Behavior.
Số liệu gần đây nhất được trích dẫn trong một nghiên cứu cũng được tiến hành ở Đại học Harvard cho thấy trẻ em tiêu thụ khoảng 172 calo hằng ngày trong đồ uống có đường - hơn 10% tổng lượng năng lượng mà chúng cần.
Nếu bạn không biết cách giúp con tránh xa thói quen uống soda hay thức uống có đường hằng ngày, bạn sẽ đặt con vào nguy cơ thừa cân, béo phì cũng như nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch vành
Calo lỏng đơn giản không giúp thỏa mãn cơn đói của trẻ, nên chúng cũng sẽ không thể ăn ít sau đó, các nhà nghiên cứu nói.
Trong thực tế, một nghiên cứu của ĐH Purdue được công bố trên tạp chí International Journal of Obesity & Related Metabolic Disorders năm 2000 thấy rằng, trẻ em uống soda nguy cơ thừa cân nhiều hơn so với ăn kẹo.
Bình luận (0)