Trong thời buổi kinh tế khó khăn, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn trong việc ổn định an sinh xã hội.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, tiêu, thủy sản… đã vượt qua những rào cản để gia tăng xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ lớn, góp phần cân bằng cán cân thương mại. Thế nhưng, đời sống của đại bộ phận nông dân hiện còn nhiều khó khăn do sản phẩm làm ra bị rớt giá và khó tiêu thụ.
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL, hiện nông dân nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg do giá cá chỉ còn 21.000 - 22.000 đồng/kg. Cùng lúc, hàng loạt hộ nuôi tôm ven biển trong khu vực cũng điêu đứng vì dịch bệnh hoành hành khiến tôm nuôi bị chết trên diện rộng; chăn nuôi heo, gà cũng tiêu tan do giá liên tục giảm sâu dưới mức chi phí giá thành. Ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… mận An Phước từ 13.000-15.000 đồng/kg, nay giảm còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, lỗ cả tiền thuê nhân công hái. Căng thẳng nhất là 1,68 triệu ha lúa hè thu ở ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch, nhưng giá lúa tươi loại thường sụt chỉ còn 3.500 - 3.800 đồng/kg, vậy mà thương lái chưa chịu mua khiến nông dân như ngồi trên lửa.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, trăn trở: “Khoảng 70% dân số sống ở nông thôn và mưu sinh bằng nông nghiệp. Giai đoạn khủng hoảng, nông dân làm nông nghiệp gia tăng sản xuất góp phần nhiều cho nền kinh tế. Gần đây, hàng loạt sản phẩm nông nghiệp rớt giá thê thảm và nông dân thực sự khốn đốn do tắc đầu ra. Hơn lúc nào hết, lợi ích của nông dân cần được bảo vệ”. Theo tiến sĩ Bảnh, hạn chế của nông dân lâu nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, làm theo phong trào. Cứ tới vụ mùa là phải sản xuất, trong khi đầu ra thế nào, sản phẩm ai mua, giá bao nhiêu… thì mù tịt. Vì vậy, chuyện “dội chợ - rớt giá” cứ lặp đi lặp lại và nông dân là người thua thiệt. Vấn đề nghịch lý trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo hiện nay nông dân là người cơ cực nhất nhưng hưởng lợi thấp nhất; ngược lại thương lái, nhà máy xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu gạo… thu lời rất nhiều dù công sức bỏ ra ít. “Sản xuất nông nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế, cần nhanh chóng tổ chức lại theo hướng liên kết, phân chia chuỗi lợi nhuận một cách phù hợp và hướng cho nông dân tiến tới làm chủ sản phẩm do mình làm ra. Bên cạnh đó, nếu như Nhà nước dành 30.000 tỉ đồng hỗ trợ bất động sản, thì cũng nên nghiên cứu hỗ trợ hàng loạt hộ nông dân đang gặp khó khăn”, tiến sĩ Lê Văn Bảnh đề xuất.
An Lạc
Bình luận (0)