Trong câu chuyện bảo tồn văn hóa Cơ Tu, mái gươl luôn được Pơloong Plênh đề cập với niềm trăn trở không dứt. Dù là địa phương còn giữ lại được số gươl thuộc dạng nhiều nhất tỉnh Quảng Nam nhưng Tây Giang đang đối mặt nỗi lo biến dạng gươl làng vì thiếu vật liệu truyền thống.
Cần có cơ chế riêng để bảo tồn những mái gươl cổ truyền thống |
HOÀNG SƠN |
Anh Pơloong Plênh nói rằng từ xa xưa, để phục dựng kiến trúc gươl, nhà dài, nhà sàn, nhà mồ… đúng với văn hóa của người Cơ Tu, đồng bào bản địa tác động rất ít đến rừng, đến gỗ tươi, cây lâu năm… Vì hầu hết cột nhà họ xin “mế rừng” (mẹ rừng) lấy lõi cây gỗ lâu năm bị đổ ngã, chết ở trong rừng. Còn các kèo, đòn tay thì lấy từ những cây gỗ tạp. Phần sàn đa phần dùng tre, lồ ô, lá nón (để lợp), lạt, mây (dây buộc)… mọc đầy trong rừng. Chỉ riêng để có 4 tấm gỗ (ganiing) điêu khắc, người dân mới xin một cây gỗ lớn, nhưng cũng là gỗ thường, không phải quý hiếm…
Truyền thống đồng bào Cơ Tu luôn tôn thờ mẹ rừng. Họ bảo vệ rừng như bảo vệ mái nhà. Còn rừng là còn làng. Bởi vậy, ý thức gìn giữ những mầm xanh ngấm sâu vào cộng đồng bao đời qua. Một khi cần gỗ để dựng gươl, họ đều tìm cây ngã đổ kéo về. Mỗi năm, sau các trận bão, giữa đại ngàn Trường Sơn có không ít cây lớn ngã đổ.
Cơ chế nào để những cây gỗ lớn ngã đổ trong rừng có thể về với làng, giúp người Cơ Tu dựng lại những mái gươl đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống? Anh Pơloong Plênh tuy không hiến kế nhưng nói như đinh đóng cột rằng: “Chỉ cần ngành chức năng cho phép, chúng tôi có thể tìm những cây ngã đổ như thế mang về để bảo tồn gươl mà không hại đến rừng”.
Bình luận (0)