Bảo vệ người tố cáo

Vũ Hân
Vũ Hân
24/05/2018 04:30 GMT+7

Sáng nay 24.5, Quốc hội thảo luận lần cuối về dự án luật Tố cáo (sửa đổi), một dự án luật ban đầu chỉ định chỉnh sửa để phù hợp với Hiến pháp 2013, nhưng cuối cùng đã được sửa đổi toàn diện để hiện thực hóa một quyền hiến định của công dân - quyền tố cáo.

Dự án luật này gồm rất nhiều chương, nhiều điều, nhiều quy định, nhưng yếu tố quyết định chỉ ở 1 điểm căn bản - có bảo vệ được người tố cáo hay không?
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau bước lùi của dự thảo lần đầu, dự thảo mới đã quy định phạm vi bảo vệ người tố cáo rộng hơn, đúng... bằng với luật hiện hành, tức là chẳng có gì phải sửa.
Theo số liệu thống kê (tại Báo cáo số 180/BC-TH ngày 28.9.2015) của Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, từ khi luật Tố cáo có hiệu lực cho đến tháng 3.2015, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 699 yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, trong đó có 99 yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng, nhưng chỉ có khoảng 1/3 số yêu cầu được tiến hành, chiếm 32%.
Nhìn vào con số ít ỏi đó để cho thấy người tố cáo đơn độc như thế nào.
Theo luật hiện hành, rất nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, nhưng không cơ quan nào thực sự chịu trách nhiệm. Luật quy định “UBND các cấp” có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú, nhưng người tố cáo tìm đến xã có thể bị đẩy lên huyện và huyện cũng dễ dàng đẩy lên tỉnh. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng không có quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, mà chỉ có quy định về “cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ”...
“Năm cha, ba mẹ” như vậy, nên không ít trường hợp người tố cáo tìm kiếm sự giúp đỡ rồi lại tuyệt vọng trở về. Chỉ trình tự, thủ tục về mặt hành chính thôi đã đủ làm sụt giảm mong muốn chống lại cái xấu, cái ác của họ.
Thậm chí, ngay từ yếu tố đầu tiên là “bảo vệ bí mật thông tin” của người tố cáo cũng dễ dàng bị vi phạm, vì người tiếp nhận đơn tố cáo có thể là một cô văn thư nào đó chẳng có chút ý niệm gì về bảo vệ người tố cáo; và theo quy trình, cô văn thư đó sẽ chuyển qua rất nhiều cô văn thư khác cũng có hiểu biết tương tự.
Người tố cáo cần “sự kiên trì” và “lòng dũng cảm”, chấp nhận cả “sự trả thù nghiệt ngã” để đấu tranh vì công lý và lẽ phải.
Luật cần nên “xây” cho họ một nơi trú ẩn an toàn, và quan trọng không kém là một hành lang an toàn để đến được đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.