Bảo vệ nhà đầu tư

07/04/2022 04:09 GMT+7

Liên tiếp 2 ông chủ doanh nghiệp lớn bị bắt tạm giam liên quan bán chui cổ phiếu và phát hành trái phiếu không công bố thông tin khiến tâm lý nhiều trái chủ cũng như nhà đầu tư chứng khoán cảm thấy bất an.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, sự việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam. Nhưng nếu không làm nghiêm, nguy cơ đổ vỡ trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bởi trước vụ hủy bỏ 9 lô cổ phiếu phát hành chui của nhóm Tập đoàn Tân Hoàng Minh và bắt tạm giam ông chủ tập đoàn này, rất nhiều khuyến cáo về rủi ro trái phiếu doanh nghiệp (DN) được phát đi nhưng không mấy ai quan tâm. Nhà đầu tư cứ “hồn nhiên” xuống tiền chỉ vì lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, vì nghe lời quảng cáo thấy “ngon”, vì thấy ngân hàng đứng ra phát hành (mà nghiễm nhiên tưởng rằng trái phiếu được bảo chứng mà không biết rằng, các nhà băng chỉ bảo lãnh phát hành, nói nôm na là phát hành không hết thì phải chịu trách nhiệm theo thỏa thuận với DN chứ họ không có trách nhiệm với trái chủ).

Thậm chí một số người chỉ vì thấy thương hiệu nổi tiếng mà chặc lưỡi bỏ qua khâu tìm hiểu, kiểm tra xem trái phiếu họ phát hành có đúng quy định pháp luật hay không. Nhưng thực tế chúng ta đã chứng kiến, không thiếu những ông chủ lớn vẫn cố tình vi phạm hết lần này đến lần khác mà mới nhất là Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng. Đó cũng là lý do, những trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) vẫn có đất sống.

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu và không có tài sản đảm bảo chiếm hơn 50% trong tổng số trái phiếu phát hành trong năm 2021. Tính riêng nhóm bất động sản, loại trái phiếu này chiếm gần 55%, tương đương giá trị 172.500 tỉ đồng, chưa kể 33.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành mà không có thông tin. Hay nói cách khác, một khối lượng rất lớn trái phiếu tiềm ẩn rủi ro đã và đang lưu truyền trên thị trường. Thế nên, xử nghiêm những hành vi này chính là bảo vệ các nhà đầu tư trước những rủi ro tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Nhưng xử lý các ông chủ DN thôi là chưa đủ, các cơ quan quản lý có thẩm quyền liên quan chịu trách nhiệm thế nào khi để xảy ra tình trạng này cũng phải được làm rõ và chế tài nghiêm minh. Đặc biệt, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cần phải rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này để có điều chỉnh cho phù hợp. Có thể nói, đây là vấn đề quan trọng nhất để bảo vệ nhà đầu tư tận gốc. Hãy lấy vụ đấu giá đất Thủ Thiêm mà các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng thầu với giá trên trời năm 2021 làm ví dụ. Nếu có quy định cụ thể về năng lực tài chính của DN tham gia đấu giá để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá thì làm gì có cửa cho những công ty vốn nhỏ, mới thành lập chen chân vào rồi sau đó bỏ cọc, gây bao hệ lụy cho thị trường bất động sản cũng như việc đấu giá của TP.HCM hiện nay.

Nhà đầu tư phải được bảo vệ tốt nhất nếu muốn phát triển thị trường trái phiếu DN thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả và chia sẻ gánh nặng tín dụng cho nền kinh tế với hệ thống ngân hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.