Chạnh lòng là bởi, đại dịch đã bước sang năm thứ 3 nhưng những đề xuất, kiến nghị về điều chỉnh ngưỡng giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người nộp thuế liên tục bị bỏ qua. Tới tận tháng 3 vừa rồi, Bộ Tài chính mới lấy ý kiến điều chỉnh một số luật thuế, trong đó có thuế TNCN. Nhưng đến bao giờ các ngưỡng thuế lạc hậu này được sửa đổi và sửa đổi như thế nào vẫn chưa biết. Trong khi đó, bão giá thì không có lộ trình, không chờ đợi tăng lương, thuế giảm, mà cứ “quét” hết trận này tới trận khác, ngành này sang ngành khác. Từ bão giá xăng dầu, bão giá nguyên vật liệu, bão giá cước, bão giá phân bón, bão giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu... dồn dập tràn tới, bào mòn thu nhập của người dân.
Đáng nói là trong khi người nộp thuế vô cùng sốt ruột thì Bộ Tài chính lại có vẻ “đủng đỉnh”, nếu không muốn nói là khá thờ ơ. Hãy nhìn những mốc thời gian điều chỉnh thuế TNCN để thấy rõ điều này. Cụ thể, lần điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc là mất... 7 năm. Trong 7 năm đó, giá cả đã bao lần thiết lập mặt bằng mới nhưng mức giảm trừ gia cảnh đứng yên khiến người làm công ăn lương thiệt đơn thiệt kép. Còn tính từ lần điều chỉnh gần đây nhất, từ giữa năm 2020 đến nay là đúng thời gian đại dịch thế kỷ Covid-19 diễn ra, thu nhập của người đóng thuế nói chung giảm mạnh, chi phí sinh hoạt cộng thêm một khoản lớn liên quan đến dịch tễ như khẩu trang, nước rửa tay, kit test… Chưa kể, như nói trên, 2 năm vừa rồi và đặc biệt là nửa năm nay, đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine khiến VN nói riêng và toàn cầu nói chung đang hứng chịu cơn bão giá khốc liệt nhất trong lịch sử. Thế nhưng thuế TNCN vẫn đứng yên.
Sự “thờ ơ” còn thể hiện từ những sự bất hợp lý của sắc thuế này. Đầu tiên, không ai hiểu vì sao mức giảm trừ cho người phụ thuộc lại chỉ 4,4 triệu đồng, bằng khoảng 1/3 so với mức 11 triệu đồng của người nộp thuế. Trong khi chi tiêu cho một đứa trẻ trong nhiều gia đình không hề ít hơn so với người lớn. Thậm chí với không ít hộ, tiền ăn, học, sữa, chi phí khám bệnh... hằng tháng của con còn cao hơn bố mẹ. Thế nhưng từ trước tới nay, nghịch lý này vẫn tồn tại hết lần điều chỉnh này tới lần sửa đổi khác. Vô lý hơn, khi người làm công ăn lương đang phải chịu mức thuế cao nhất, lên tới 35%, cao hơn so với ngưỡng thuế mà cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp phải đóng. Rồi ngưỡng thuế áp dụng cào bằng trên cả nước trong khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn đắt đỏ hơn nhiều so với các tỉnh, thành xa xôi hay miền núi....
Bộ “đủng đỉnh” ngày nào, số thu từ thuế TNCN tăng ngày đó. Không biết đây có phải lý do của sự “đủng đỉnh” này hay không nhưng những bất cập và lạc hậu của ngưỡng thuế TNCN như nói trên là rất rõ ràng, Thế nên, chậm trễ điều chỉnh 1 ngày, người làm công ăn lương thiệt thòi 1 ngày, chậm trễ 1 năm, họ vất vả 1 năm. Trong bối cảnh đó, những con số tăng thu ngân sách từ nguồn này không mang lại niềm vui, không cho thấy thu nhập của người nộp thuế tăng lên, mà chỉ mang lại sự chạnh lòng cho họ.
Trong bối cảnh hiện nay, thuế cần khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu hơn là tận thu.
Bình luận (0)