Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh N.T.M (50 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Bà M. điều trị hen đã hơn 15 năm nay. Tuy nhiên vài năm trở lại đây bà thường bỏ qua việc dùng thuốc dự phòng và kiểm soát hen mà chỉ dùng thuốc cắt cơn mỗi khi khó thở. Điều này dẫn đến việc khi gặp thời tiết thay đổi, bà cảm thấy khó thở nhiều hơn. Tại khoa Hô hấp, bà M. được tư vấn dùng thuốc dự phòng và kiểm soát hen hàng ngày để tránh những đợt khó thở liên tục cũng như đợt hen cấp. Nếu tiếp tục lạm dụng thuốc cắt cơn, người bệnh sẽ dẫn đến tình trạng bị "trơ" thuốc, rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Thay đổi thời tiết - nguyên nhân gây ra rất nhiều loại bệnh
Sự thay đổi trong thời tiết có thể làm tăng nguy cơ viêm phế quản và cơn hen đột ngột. Điều này đòi hỏi người bệnh hen phải có kiến thức về cách quản lý bệnh tốt hơn. PGS-TS-BS Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Hô hấp BV ĐHYD TP.HCM, cho biết bệnh hen không thể chữa lành nhưng có thể kiểm soát được. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, người bệnh cần chú ý giữ sức khỏe, vì lúc này dễ tăng nguy cơ gây ra cơn hen hoặc làm tăng mức độ cơn hen.
Ngoài hen phế quản, thời tiết thay đổi còn gây ra một số loại bệnh về hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm xoang, viêm phổi,... TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng BV ĐHYD TP.HCM, chia sẻ: "Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi thất thường bởi khả năng miễn dịch của trẻ thường yếu hơn người lớn. Một khi mắc bệnh, khả năng gặp biến chứng của trẻ cũng nhiều hơn. Từ bệnh cúm, trẻ có thể biến chứng sang viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh phế quản".
Đối với người lớn, các chuyên gia thấy rằng ở người lớn xuất hiện tình trạng suy giảm miễn dịch do tuổi tác và bệnh lý nền. Khi tuổi tác tăng lên, số lượng tế bào miễn dịch lympho B, lympho T suy giảm về số lượng và chất lượng, cộng thêm yếu tố bệnh nền khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn, người bệnh dễ gặp biến chứng hơn. Chính những biến chứng này lại tác động ngược lên bệnh lý nền, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng.
Vắc xin phòng bệnh là lá chắn vững vàng cho sức khỏe
Vắc xin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Trong đó, vắc xin cúm, vắc xin phế cầu và vắc xin ho gà là những mũi tiêm cần được ưu tiên để đối phó với các căn bệnh phổ biến khi thời tiết thất thường, nhất là không khí lạnh tăng cường.
ThS-BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng BV ĐHYD TP.HCM, cho biết mục tiêu của việc tiêm vắc xin cúm, vắc xin ho gà và vắc xin phế cầu khuẩn là làm giảm việc lây nhiễm. Đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao, vắc xin giúp giảm biến chứng bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tử vong. Vì vậy, theo chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và quy định của Bộ Y tế, trẻ nhỏ là đối tượng được khuyến khích tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh kể từ khi còn trong bụng mẹ và khi chào đời.
Ngoài ra, một số nhóm đối tượng ưu tiên cần tiêm vắc xin cúm có thể kể đến như: Nhân viên y tế tiếp xúc nhiều với người bệnh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người có các bệnh lý mãn tính, người bị suy giảm miễn dịch, người sống trong môi trường tập thể (viện dưỡng lão, ký túc xá),...
Sau khi tiêm vắc xin, hệ miễn dịch cần có khoảng thời gian 2-4 tuần để tế bào miễn dịch được kích hoạt, sản sinh kháng thể chống lại virus, vi khuẩn. Vì vậy chúng ta nên cân nhắc thời gian tiêm vắc xin phù hợp. Hiện nay các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đều cho thấy việc tiêm phối hợp 3 loại vắc xin ho gà, cúm, phế cầu khuẩn cùng một thời điểm đều an toàn và hiệu quả. Đối với vắc xin cúm, cần tiêm nhắc lại hằng năm, vắc xin ho gà nhắc lại 10 năm và vắc xin phế cầu khuẩn hiện nay chỉ cần tiêm một lần duy nhất.
Với mong muốn giúp người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ, người già, người có sức đề kháng kém nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe khi thời tiết thay đổi thất thường, nhất là các đợt không khí lạnh tăng cường, BV ĐHYD TP.HCM thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - Sẻ chia với chủ đề: "Mùa lạnh cần bảo vệ sức khỏe như thế nào?", theo dõi tại: https://bit.ly/baovesuckhoemualanh.
Bình luận (0)