Bảo vệ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân

Duy Tính
Duy Tính
23/02/2023 04:14 GMT+7

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành phía nam về điều trị ung thư.

Nơi đây hội tụ nhiều phẫu thuật viên lành nghề, giàu kinh nghiệm và có rất nhiều "đại đao" cứu chữa bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ở bệnh nhân nữ. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, là một trong những "đại đao" ấy.

"NGƯỜI TA ĐỒN BÁC SĨ GIỎI LẮM"

Sáng 16.2, tôi theo chân bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Tiến vào phòng mổ Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM. Thay trang phục xong, BS Tiến đưa tôi vào phòng mổ số 1, lúc này, nữ bệnh nhân (BN) 58 tuổi, ngụ H.Củ Chi (TP.HCM) cũng vừa đặt lưng lên bàn mổ. Trước khi đến phòng mổ số 1, BS Tiến chỉ cho PV Thanh Niên phòng mổ số 2, nơi cậu con trai của ông cũng là BS và đang phụ mổ để nối nghề cha.

Bảo vệ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

DUY TÍNH

Sau khi xem hồ sơ bệnh án, BS Tiến đến gần thăm khám BN. "Mừng quá, qua nay mới gặp lại BS, người ta đồn BS giỏi lắm", nữ BN nói. BS Tiến trấn an BN yên tâm, chỉ mổ hơn nửa giờ là xong. Kiểm tra lần cuối tên tuổi BN, BS Tiến hỏi BS gây mê: "Mổ được chưa?". Sau tiếng "dạ" của vị BS gây mê, BS Tiến đục đường mổ nội soi đầu tiên ở bụng BN. Nữ BN bị nhiễm vi rút HPV, giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung. Để giải quyết triệt để là cắt luôn tử cung vì BN cũng đã lớn tuổi.

"Với người trẻ thì chỉ cần cắt bỏ tổn thương cổ tử cung, giữ nguyên vẹn tử cung để có thể sinh đẻ", BS Tiến chia sẻ sau khi ca mổ thành công. Và với khuynh hướng ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa, nhất là những phụ nữ chưa lập gia đình không may mắc bệnh này phải hy sinh thiên chức làm mẹ..., BS Tiến quyết tâm tìm tòi học hỏi thêm về phẫu thuật bảo tồn để chữa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ giai đoạn sớm.

BS Tiến tâm sự 20 năm trước, ung thư cổ tử cung nhiều hơn cả ung thư vú. Nhưng 15 năm trở lại đây, tỷ lệ ung thư cổ tử cung thấp hơn ung thư vú, đó là nhờ BN đi tầm soát và phát hiện sớm, ngoài ra một phần cũng là nhờ vắc xin ngừa ung thư. Khoảng 10 - 20 năm tới, có thể tỷ lệ ung thư cổ tử cung sẽ còn tiếp tục giảm. BS Tiến chia sẻ đây là điều đáng mừng cho phụ nữ bởi sẽ giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình, cho BS điều trị và xã hội.

"Nhưng hiện nay ung thư buồng trứng lại nhiều, hơn nữa loại ung thư này rất phức tạp, khó chẩn đoán sớm, khi phát hiện thường đã vào giai đoạn trễ, lan tràn, xâm lấn các cơ quan, lại rất đề kháng hóa trị nên tiên lượng sống còn rất thấp, do đó đòi hỏi kỹ thuật mổ phải cao", BS Tiến cho hay.

Hoàn thành ca mổ thứ hai trong buổi sáng, ông trở về phòng tranh thủ nghỉ ngơi đôi chút.

Bảo vệ thiên chức làm mẹ cho bệnh nhân - Ảnh 2.

Bác sĩ Tiến xem bệnh án trước khi phẫu thuật

CƠ DUYÊN VỚI PHẪU THUẬT PHỤ KHOA

Năm 1991 tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, đầu năm 1993, BS Tiến thi tuyển đậu vào Trung tâm ung bướu (nay là BV Ung bướu TP.HCM). Sau khi hoàn thành chương trình luân khoa trong BV, ông được phân vào khoa ngoại. Khi BV phân chia khoa chuyên sâu, BS Tiến được phân về Khoa Ngoại 1 (nay là Khoa Ngoại phụ khoa).

BẢN LĨNH VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI NGHỀ Y

Theo BS Nguyễn Văn Tiến, kinh nghiệm, bản lĩnh và lòng tin sẽ giúp nhiều cho chuyên môn. Tuy lớn tuổi nhưng ông vẫn nỗ lực đào tạo thế hệ BS trẻ, trực tiếp mổ những ca khó được gửi đến BV.

"Tôi chỉ có một lời khuyên với những ai bước vào ngành y nhưng sống trên "xương máu" của BN, đặt kinh tế làm trọng, thì hãy đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của BN phải bán nhà bán cửa trị bệnh. Đành rằng BN chấp nhận phải tốn kém khi điều trị bệnh nhưng không nên vẽ vời, lừa đảo họ, bởi gieo nhân nào chắc mình sẽ nhận quả đó", BS Tiến chia sẻ.

"Tôi được BN tặng rất nhiều quà vật chất như con cá, con tôm, con cua… Tất cả đều rất ngon. Nhưng món quà BN tặng đáng quý, đáng trân trọng nhất đó là niềm tin, niềm hy vọng về khả năng chuyên môn, về tinh thần thương yêu người bệnh khi đã đặt hết niềm tin vào BV, vào khoa phòng, vào BS đang điều trị cho họ. Nhất là khi BN bước chân ra khỏi khoa, khỏi BV thì họ luôn tôn trọng những người hành nghề y", BS Tiến chia sẻ thêm.

BS Tiến có 2 người con đều theo nghề y. "Các con theo chân cha thì đó là cái duyên", ông nói.

"Là BS trẻ lúc đó, nhìn các bệnh phụ khoa, nhất là ung thư âm đạo, thật lòng tôi có chút lo lắng. Khi tiếp xúc BN, cảm giác vừa thương, vừa giận. Vì lúc đó thông tin về ung thư phụ khoa chưa nhiều, chị em điều trị ung thư phụ khoa theo các bài thuốc dân gian dẫn đến lở loét, hoại tử. Từ đó, tôi nghĩ mình phải cố gắng để đào sâu học tập, mổ để giúp bảo tồn tối đa thiên chức của người phụ nữ", BS Tiến chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn tại BV, ông cũng rất tích cực tư vấn về bệnh ung thư trên báo chí, truyền thông. Bởi, phẫu thuật thì cũng chỉ giải quyết từng ca bệnh, điều quan trọng không kém là phải làm cách nào giảm thiểu đến thấp nhất số BN mắc phải căn bệnh quái ác này trong tình hình số người mắc bệnh ung thư nói chung, ung thư phụ khoa nói riêng, ngày càng đông.

Hơn nữa, nhận thấy mạng xã hội cũng là một phương tiện để tư vấn hữu hiệu, BS Tiến dành thời gian chia sẻ thường xuyên những thông tin cần thiết và nhận được nhiều tương tác. Theo BS Tiến, trên 80% người dân sử dụng mạng xã hội nhưng những thông tin cơ bản về bệnh tật thì nhiều người không biết, nhất là những thông tin về kiểm tra sức khỏe cho mình và người thân, khi đổ bệnh không biết phải làm sao? Không biết điều trị bằng cách nào? Ở đâu? Và cuối cùng phải mất đi người thân yêu của mình vì một lý do rất đơn giản là thiếu thông tin.

Không dừng lại ở đó, với BN ung thư đa số là BN nghèo, BS Tiến còn đứng ra tổ chức giải tennis từ thiện để huy động các nhà hảo tâm lập quỹ nhằm có kinh phí hỗ trợ phẫu thuật cho họ cũng như thực hiện những hoạt động thiện nguyện khác.

MỔ THÀNH CÔNG NHIỀU CA CỰC KHÓ

Đã phẫu thuật hàng trăm, hàng ngàn ca ung thư nhưng BS Tiến cho hay ông nhớ như in hơn 30 ca. Và trong các ca bệnh ấy, trường hợp ấn tượng nhất là lần đầu phẫu thuật cho BN tên Phượng ở Long An. Vì không có tiền điều trị nên BN này mang khối bướu tử cung đi bán vé số sống qua ngày. Khi không còn chịu được những cơn đau do bướu to chèn ép, BN đi tìm BV chữa trị và cuối cùng dừng chân ở BV Ung bướu TP.HCM.

"Lần đầu tiên tôi và các đồng nghiệp xung trận mổ, mặc dù chưa bao giờ mổ những ca như thế này, khả năng BN không qua khỏi khi lấy bướu ra rất cao. Rốt cuộc ca mổ thành công, bướu tử cung lấy ra nặng 26 kg và là bướu lành tính. BN sống được nhiều năm. Đây là bước ngoặt thành công để tiến đến mổ những ca bướu khủng sau này lên tới 50 kg", BS Tiến kể.

Ca bệnh để lại dấu ấn đậm nét thứ hai với ông là trường hợp mà kể cả bảo vệ hay những người lao công, hộ lý ở BV Ung bướu TP.HCM đều biết, đó là cô bé "ễnh ương". Cái tên này do chính BS Tiến đặt vì lần đầu tiên vào khoa, BN trẻ tuổi không thể đi đứng bình thường mà phải lết như con ễnh ương vì khối u hơn 50 kg đè nặng lên thể trạng chỉ có 35 kg.

"Với kinh nghiệm và qua chẩn đoán, lãnh đạo BV và tôi quyết tâm mổ. Cuối cùng, có lẽ ông trời cũng thua trước quyết tâm sắt đá của chúng tôi, ca mổ thành công và BN đã sống hơn 3 năm nay, hiện vẫn tái khám thường xuyên", BS Tiến kể.

Điều mà BS Tiến mong đợi nhất trong suốt mấy mươi năm hành nghề đã được bù đắp, một trong 15 ca phẫu thuật ung thư cổ tử cung của ông đã sinh con vào 2 năm trước. "Rất may mắn, BN nữ trẻ tuổi là một trong 15 BN mà tôi mổ bảo tồn cắt cổ tử cung chừa lại thân tử cung. Nữ BN đã mang thai, sinh bé trai nặng 3 kg, hiện đã trên 2 tuổi. Thật vinh dự, chúng tôi đã có bài báo cáo một loạt ca phẫu thuật được các hội về nghiên cứu, chữa trị ung thư chấp nhận và được đăng trên tạp chí ESGO nổi tiếng của Hội Ung thư phụ khoa thế giới", BS Tiến tự hào. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.