Sáng 3.11, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Vi Văn Cường (28 tuổi, trú xã Giáp Sơn, H.Lục Ngạn, Bắc Giang) và Vi Văn Doóng (44 tuổi, trú xã Tân Hoa, H.Lục Ngạn) về tội "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", quy định tại điều 349 bộ luật Hình sự.
Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2022, Cường lấy danh nghĩa đi du lịch để sang Thái Lan và ở lại lao động trái phép.
Tại đây, Cường làm công việc gọi điện, kết bạn làm quen, tư vấn cho người Việt Nam mua hàng. Ngoài ra, mỗi tháng Cường còn bị giao nhiệm vụ phải lôi kéo được 2 người Việt Nam sang Thái Lan lao động, nếu không đủ chỉ tiêu sẽ bị phạt.
Trước áp lực này, Cường đã gọi cho Doóng và nói dối ở Thái Lan việc rất nhàn, chỉ cần ngồi phòng điều hòa, làm việc trên máy tính mà lương lại rất cao, từ 20 - 30 triệu đồng/tháng và được bao chi phí đi lại. Đồng thời, Cường cũng nhờ Doóng tìm thêm người đưa sang Thái Lan, trả công từ 400 - 500 USD/người. Doóng sau đó đồng ý và tìm được 7 người đưa sang Thái Lan cho Cường.
Công an tỉnh Bắc Giang xác định, Cường đã tổ chức đưa 10 người sang Thái Lan, được công ty trả 80 triệu đồng. Số tiền này, Cường chia cho Doóng 58 triệu đồng tiền công giúp Cường tìm người, tổ chức đưa sang Thái Lan.
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, tại Thái Lan, người lao động sẽ bị chủ ép ký hợp đồng thời hạn 1 năm với những quy định bất lợi. Để tránh người lao động bỏ trốn, chủ lao động sẽ giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, không cho ra ngoài.
Công việc thì không hề "nhẹ mà lương cao", mỗi ngày người lao động phải làm ít nhất 12 tiếng, bị ép sử dụng thiết bị của công ty để nói chuyện điện thoại với hàng trăm người Việt Nam để lôi kéo họ sang Thái Lan làm việc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu người lao động sẽ không được trả lương, thậm chí bị nhốt vào phòng kín, đánh đập, không cho ăn uống, chích điện.
Đến khi người lao động không chịu đựng được muốn về Việt Nam thì chủ lao động sẽ lấy hợp đồng đã ký kết ra và phạt vi phạm với số tiền từ 100 - 200 triệu đồng/người. Hoàn thành tiền phạt, người dân mới được về nước.
Trung tá Hán Văn Mạnh, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, các lao động được Cường mua vé máy bay sang Thái Lan theo hình thức du lịch, là thủ đoạn tổ chức cho người lao động xuất, nhập cảnh theo đường hàng không đi lao động bất hợp pháp.
Theo trung tá Mạnh, không bao giờ có chuyện làm việc nhẹ mà lại có lương cao, đây là cái bẫy mà các đối tượng tạo ra để lừa những người nhẹ dạ cả tin, cần việc làm. Việc nhẹ không thấy, lương không cao mà phải làm việc vất vả, bị đánh đập, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người. Nhiều gia đình để có tiền chuộc con về phải bán ruộng, vườn, nhà cửa và vay mượn khắp nơi.
Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với những chiêu trò "việc nhẹ lương cao" để tránh trở thành nạn nhân.
Bình luận (0)