Sạt lở có nguy cơ uy hiếp nhà dân
Tình trạng sạt lở hai bờ sông Kôn ở thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng, H.Đại Lộc) đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa, bão số 4 và 5 mới đây, khiến việc sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng hơn. Nước lũ trên thượng nguồn đổ về đã xâm thực sâu, gây sạt lở hơn 20 m với chiều dài hơn 200 m bờ sông, làm hàng ngàn mét vuông đất sản xuất của các hộ dân bị cuốn trôi.
Bờ sông Kôn bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của nhiều hộ dân |
MẠNH CƯỜNG |
Ông Nguyễn Cư (64 tuổi, ở thôn Thái Chấn Sơn) cho biết nguyên nhân khiến khu vực bờ sông Kôn sạt lở nghiêm trọng là do trong năm nay liên tiếp gánh chịu nhiều trận mưa lũ. Vị trí sạt lở lớn nằm đúng khúc cua của dòng chảy. Vì vậy, khi nước lũ lớn trên thượng nguồn đổ về không còn chảy theo địa hình mà theo quán tính đâm thẳng vào bờ, gây sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất và đe dọa xâm thực mạnh vào nhà dân. “Sau khi sạt lở nghiêm trọng xảy ra, người dân luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Nếu cấp trên không sớm đưa ra phương án kè dọc bờ sông để chống sạt lở thì chỉ cần vài ba trận lũ lớn nữa, toàn bộ đất sản xuất và một số nhà dân nằm gần bờ sông có nguy cơ sẽ bị xóa sổ”, ông Cư nói.
Ông Trần Đắc Chí (53 tuổi, ở thôn Thái Chấn Sơn) cho rằng việc sạt lở nghiêm trọng bờ sông Kôn đang đe dọa đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của các hộ dân sát bờ sông. Điều đáng nói, những năm gần đây, sông Kôn đã có sự biến đổi dòng chảy rất lớn, tạo nên những đoạn xung yếu có chiều dài bất thường, gây sạt lở nghiêm trọng và kéo dài. “Hiện nay, sạt lở chỉ cuốn đi phần đất trồng hoa màu. Tuy nhiên, xã Đại Hưng là vùng “rốn lũ”, với tốc độ sạt lở nhanh thế này mà không có phương án kè bảo vệ thì tương lai không xa nhà dân cũng bị cuốn trôi xuống sông Kôn”, ông Chí thở dài.
Sẽ xây dựng kè bảo vệ
Ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, cho biết về vấn đề sạt lở bờ sông Kôn đoạn qua thôn Thái Chấn Sơn, sau khi đi kiểm tra, xã đã có báo với UBND H.Đại Lộc. Vấn đề sạt lở này nếu không được khắc phục sớm thì sẽ rất nguy hiểm. “Sạt lở mạnh và nghiêm trọng nhất là sau cơn bão số 5 vừa rồi đã cuốn trôi khoảng 3.000 m2 đất sản xuất. Trước mắt, xã sẽ làm kè mềm và trồng tre để hạn chế sạt lở. Về lâu dài sẽ kiến nghị huyện đề xuất với tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè cứng bảo vệ”, ông Hiển nói.
Trao đổi PV Thanh Niên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND H.Đại Lộc, cho hay sau đợt mưa lũ vừa rồi tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện khá nặng, trong đó xuất hiện sạt lở tại bờ sông Kôn. Huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại và đã tổng hợp đầy đủ thông tin thiệt hại báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định. “Đối với khu vực bị sạt lở bờ sông Kôn, huyện đã cho chủ trương giao UBND xã Đại Hưng xử lý gia cố tạm bờ sông để khắc phục trước mắt. Về lâu dài sẽ nghiên cứu trồng cây xanh chống xói lở và trình lên tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để thực hiện xây kè bảo vệ bờ sông”, ông Quang nói.
Bình luận (0)