Bất an vì thói côn đồ: Hình phạt chỉ là ngọn, cái gốc là giáo dục

24/01/2019 07:00 GMT+7

Thanh Niên ghi nhận ý kiến của các chuyên gia nói về nguyên nhân của thói côn đồ trong một bộ phận thanh niên hiện nay cũng như những biện pháp hạn chế, khắc phục.

Vừa trừng phạt, vừa giáo dục trẻ vị thành niên

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục hoàn thiện chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội nhằm tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người 18 tuổi phạm tội, phù hợp Công ước và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với lứa tuổi này. Bộ luật Hình sự 2015 dành một chương quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó đề ra những nguyên tắc cơ bản là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội...
Theo luật sư Hoan, hình phạt chỉ là cái ngọn của vấn đề, cái gốc của vấn đề chính là giáo dục từ gia đình, xã hội và nhà nước phải làm sao quản lý được tệ nạn của ma túy.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng cần xem xét bổ sung các biện pháp vừa là để xử lý, trừng phạt vừa là để giáo dục cho trẻ vị thành niên. Chúng ta không làm mất quyền của trẻ vị thành niên nhưng cũng không để trẻ vị thành niên xâm phạm quyền của người khác, vi phạm pháp luật mà không bị xử lý. Nếu chúng ta không làm tốt và thật sự cân bằng 2 vấn đề đó thì sẽ tạo ra một lớp người từ lúc trẻ đã coi thường pháp luật, sẵn sàng vi phạm pháp luật. Ở lứa tuổi vị thành niên thì phải lấy việc giáo dục làm đầu nhưng việc có biện pháp xử lý cũng là một trong những biện pháp răn đe, giáo dục hiệu quả. Gia đình, nhà trường, xã hội nhất là các tổ chức bảo vệ trẻ em phải có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ em biết tuân thủ pháp luật.
Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM), muốn hạn chế nhóm đối tượng này (dưới 18 tuổi) phạm tội thì đánh vào ý thức họ bằng giáo dục từ gia đình, xã hội, phương pháp quản lý trật tự, xã hội tại địa phương.
Chuyên gia xã hội và phát triển cộng đồng Phạm Trường Sơn, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, nhận xét rằng tuổi 18 với sự bấp bênh của tuổi dậy thì, phát triển về nhân cách nếu không có những hỗ trợ về giáo dục trong gia đình và xã hội rất dễ bị đẩy vào những nguy cơ. Khi đã sử dụng ma túy, họ rất cần sự giúp đỡ của tổ chức xã hội cộng đồng về cai nghiện, hỗ trợ công ăn việc làm, giảm liều, tránh tái nghiện, chăm sóc sức khỏe... để vượt qua.

Cha mẹ phải là tấm gương

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cho rằng lối hành xử bạo lực, côn đồ trong xã hội, trong đó có thanh niên có chiều hướng gia tăng. Xu hướng này bắt nguồn từ sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Để khắc phục tình trạng này, trước nhất phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, ứng xử cho thế hệ trẻ để xây dựng một xã hội có văn hóa và ứng xử văn hóa trong xã hội, thì hành xử của giới trẻ sẽ được nâng lên. Phải coi đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Những hành vi mang tính chất côn đồ, bạo lực phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nhằm đảm bảo đủ sức răn đe.
Còn theo TS Nguyễn Tuấn Anh (Phòng Nghiên cứu lối sống, văn hóa thanh niên, Viện Nghiên cứu thanh niên), nhiều nghiên cứu và thực tiễn đời sống cho thấy, hành vi côn đồ (hay hành vi hung tính) xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự không giáo dục đến nơi đến chốn, sự thiếu quan tâm của gia đình. Để hạn chế và ngăn chặn hành vi côn đồ trong giới trẻ, cha mẹ cần quan tâm đến con mình nhiều hơn, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của con để kịp thời nhận thấy những dấu hiệu tâm lý bất ổn, nắm bắt và kiểm soát được những mối quan hệ xã hội của con mình. Cha mẹ phải là tấm gương về đạo đức, lối sống cho con noi theo.
PGS-TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh việc cần phải tập trung vào giáo dục giá trị đạo đức cho giới trẻ; trang bị và xây dựng những giá trị cốt lõi của một con người để trẻ hình thành một nhân cách tốt, một con người lương thiện.
Đồng tình với ý kiến này, PGS-TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, gợi ý: Điều quan trọng nhất là giáo dục để các em biết cách thấu cảm với người khác, đặt mình trong vai trò, hoàn cảnh của người khác để biết cách thấu hiểu và thông cảm. Bởi lẽ, trong một thời gian, trong gia đình và nhà trường chỉ chú trọng đào tạo cho các em kiến thức, kỹ năng mà ít quan tâm tới việc dạy các em cách cảm thông, thấu hiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.