Bất an vì thói côn đồ: Lo ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ tương lai
23/01/2019 08:10 GMT+7
Theo các chuyên gia về tội phạm, tâm lý học, nguyên nhân về thói côn đồ bùng phát, tội phạm trẻ hóa hiện nay bắt nguồn từ gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân các cá nhân.
Tự động phát
|
Một số khác bố mẹ mải lo kinh tế, thiếu sự quan tâm đến con trẻ, thiếu sự hiểu biết về sự phát triển tâm sinh lý hoặc không hiểu được giai đoạn phát triển của trẻ nên việc quản lý, giáo dục trẻ em chưa phù hợp. Ngoài ra, gia đình không quan tâm, để trẻ lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức, như để trẻ em đi chơi xa với bạn mới quen biết, tiếp xúc phim ảnh đồi trụy, bạo lực mà không kiểm soát được dẫn đến vi phạm pháp luật.
Phía nhà trường, công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật ở một số trường học còn hạn chế, chưa quan tâm nhắc nhở xử lý triệt để những vi phạm nhỏ, lần đầu. Có tình trạng trường sợ ảnh hưởng đến phong trào thi đua nên che giấu, sợ ảnh hưởng thi đua của trường, lớp.
Tình trạng bạo lực học đường, học sinh bỏ học diễn biến phức tạp và gia tăng, một số em bỏ học bỏ nhà lang thang và bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, trong khi đó sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình về quản lý, giáo dục học sinh hư, học sinh cá biệt thiếu chặt chẽ, thường xuyên.
|
Trong khi đó, ngoài xã hội, các điểm kinh doanh karaoke, tiệm cắt tóc, gội đầu thư giãn, nhà hàng, vũ trường có hoạt động mại dâm, rồi buôn bán sử dụng trái phép ma túy; đặc biệt các điểm dịch vụ internet chiếu phim kích động bạo lực dẫn đến tư tưởng các em ít nhiều bị kích động, bắt chước làm theo, gây ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Thạc sĩ Ngô Văn Huấn, chuyên gia xã hội học, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng hiện tượng trẻ hóa hành vi phạm pháp, tội phạm phổ biến ở nhiều nơi và đây cũng là xu thế mang tính tất yếu của xã hội hiện đại.
“Các hành vi lệch chuẩn, tội phạm gia tăng đã cho thấy những yếu kém của các cách thức mà xã hội kiểm soát cá nhân. Gia đình được coi là nhân tố then chốt nhất, nhưng hiện nay gia đình đang có biểu hiện suy yếu, dễ rung lắc không còn có khả năng bảo vệ kìm giữ cá nhân một cách hiệu quả. Việc người trẻ sớm tiếp xúc với truyền thông, tham gia vào cộng đồng mạng xã hội đã dẫn đến việc các giá trị tiêu cực dễ dàng xâm nhập trong khi khả năng tự đề kháng của họ quá yếu ớt...”, thạc sĩ Huấn lý giải.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, nhận định thực tế một số trẻ em hiện có sự phát triển lớn về mặt thể chất, cộng với bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi, hưởng thụ, đua đòi các thói hư tật xấu, bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật.
“Do sự kém hiểu biết về pháp luật, thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, không định hướng được tương lai nên hành động cảm tính dẫn đến hành vi lệch chuẩn đạo đức, quan hệ xã hội mà vi phạm pháp luật... Nếu các nguyên nhân yếu kém này không được khắc phục, kiểm soát kịp thời thì tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên sẽ ngày càng phức tạp và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai thế hệ trẻ”, thạc sĩ An nói.
Bình luận (0)