Khi học sinh 'động tay động chân' với giáo viên

Thanh Nam
Thanh Nam
20/12/2018 11:03 GMT+7

Câu chuyện một học sinh lớp 11 ở Bình Định đánh thầy giáo phải nhập viện đã tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về thực trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn với giáo viên bằng... nắm đấm.

 'Động tay động chân' vì nhiều lý do
Vụ việc kể trên đã nối dài những câu chuyện đáng buồn và gây phẫn nộ, bất bình trong dư luận suốt thời gian qua.
Vào tháng 4, một học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hải Dương) đã đâm trọng thương một giáo viên (GV) ngay trước cổng trường. Lý do vì HS này xăm trên cổ, GV nhắc nhở nên HS đã dùng dao nhọn để đâm vào bụng người thầy.


Có rất nhiều lý do khiến giữa HS và GV mâu thuẫn, và khiến HS đã giở thói côn đồ để đáp trả GV. Như dư luận từng bất bình với việc một HS Trường THCS Thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) đã dùng dao đuổi đánh GV vì cho rằng GV "dám" mời phụ huynh đến trường để "méc" vì tội HS này có lực học giảm, thường xuyên trốn học...
Hay ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) từng xảy ra vụ HS đánh thầy giáo chảy máu đầu ngay trong giờ học. Nguyên nhân vì GV này đã phê bình HS vi phạm nội quy nhà trường, không thực hiện đúng tác phong, đồng phục quy định khi đến trường.
GV nữ cũng không ngoại lệ, khi đã từng là nạn nhân của thực trạng này, cũng bị HS đánh. Một cô giáo của Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Thuận) từng bị HS đánh gãy xương chính mũi, nằm bất tỉnh... vì cô này nhắc nhở HS nên làm bài tập về nhà...
Vì đâu nên nỗi?

Theo Trần Thanh Vĩnh, HS Trường THPT Vạn Tường (Quảng Ngãi), cảm thấy rất bất bình mỗi khi nghe thấy những trường hợp HS đánh GV. "Vì GV như người cha người mẹ thứ hai của mình. Dù cảm thấy bức xúc trước hành xử của thầy cô thì cũng không được 'động tay động chân'. Đó là hành động vô đạo đức, không thể chấp nhận được", Vĩnh nói.

Tương tự, Phạm Hữu Bình, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) cho rằng cần phải tôn sư trọng đạo. "Một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Công ơn với thầy cô là rất nhiều. Vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được giở thói côn đồ với giáo viên", Bình nói. Nam sinh này cũng bảo: "Khi thấy GV vi phạm quy tắc ứng xử nhà giáo, đối xử bất công, có những hành vi chưa chuẩn... thì hãy phản ánh đến ban giám hiệu".

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, em P. là một học sinh cá biệt, năm học lớp 10 đã bị kỷ luật cảnh cáo, năm học này bị kỷ luật hình thức đuổi học một tuần. Đây cũng là điểm chung của những HS "dùng nắm đấm" với thầy cô giáo, khi phần lớn là HS cá biệt.

Nói về điều này, ông Lê Văn Nam, GV Trường THPT Duy Tân (Kon Tum) cho biết đối với những HS chưa ngoan như thế, GV cần có cách ứng xử phù hợp, biết cách động viên, khuyên răn cố gắng hơn. Đừng bao giờ chửi bới, dùng những lời lẽ không hay, dễ khiến HS phát sinh những hành động thô lỗ, thiếu đạo đức, thậm chí đánh GV.

Dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Sang, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Có thể kể như HS đang ở độ tuổi dậy thì, thiếu suy nghĩ và thiếu kinh nghiệm trong cách ứng xử, nên thường có những hành động bột phát.

Bên cạnh đó, một bộ phận HS có cái "tôi" rất lớn, cảm thấy "quê" khi bị GV chỉ trích trước lớp, nên muốn tỏ vẻ "ta đây không sợ ai", để rồi biến cái "tôi" ấy thành hành động đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo, dùng nắm đấm với cả thầy cô giáo.

Ngoài ra, cũng có những vụ việc bắt đầu từ cách hành xử không chuẩn của GV. Chính người thầy, người cô đã vô tình có những hành động không chuẩn, làm mất hình tượng trước HS, vô tình đẩy sự mâu thuẫn lên cao trào, và kết quả là HS đã giải quyết theo kiểu côn đồ. Như liên quan đến vụ việc thầy giáo dạy toán tại Bình Định bị HS lớp 11 đánh phải nhập viện, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ cả 2 phía. 

Chính vì thế, ông Sang cho rằng một trong những cách để đầy lùi thực trạng đáng buồn này, GV phải chuẩn mực trong mọi hành xử để HS noi gương, luôn tận tâm và làm đúng trách nhiệm với HS. Cũng như cần có cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng HS, nhất là với những HS chưa ngoan, chứ đừng vì quá bực tức mà xưng hô "mầy, tao" với HS, đánh HS trong lớp, hay thách đố HS...

Để đẩy lùi thực trạng này, cô Phan Thanh Hiền, GV Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) đề xuất: "Cần tăng cường những tiết dạy ngoại khóa, hướng dẫn HS kỹ năng kiềm chế cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn, nhằm tránh những câu chuyện đáng tiếc khi HS hành động, phản ứng rất bản năng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.