TỪ VỤ TAI NẠN THẢM KHỐC
Đêm 4.10.2020, chiếc ô tô 7 chỗ chở 3 người, gồm cả tài xế đang qua cầu treo sông Giăng (nối hai xã Thanh Liên và Phong Thịnh, H.Thương Chương) thì va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển, chở theo một người khác đang đi hướng ngược lại. Vụ tai nạn thảm khốc này khiến cả hai xe rơi xuống sông, 5 người đều thiệt mạng.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn do người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ và do cầu treo đã xuống cấp, tuổi thọ trên 30 năm nên khi xe đi tốc độ cao có rung lắc làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Sau vụ tai nạn này, UBND H.Thanh Chương làm tờ trình gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị sớm cho xây dựng cầu cứng bắc qua sông Giăng để thay thế cây cầu treo đã xuống cấp. Theo đó, cầu treo này xây dựng từ năm 1985, đưa vào sử dụng năm 1987, bề rộng mặt cầu 4 m, chiều dài 120 m. Qua quá trình khai thác sử dụng, cầu treo sông Giăng xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu. Nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa qua cầu ngày càng lớn, nhưng do cầu yếu nên các xe có tải trọng lớn không thể đi qua, gây khó khăn cho người dân địa phương, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế khu vực.
Tổng cục Đường bộ VN sau đó đã trình Bộ GTVT quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu mới thay thế cầu treo sông Giăng với mức đầu tư dự kiến khoảng 68 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy vì chưa bố trí được vốn, trong khi chính quyền và người dân đều thấp thỏm, lo lắng về độ an toàn của cây cầu treo này.
DỰ ÁN VẪN BỊ TREO
Theo ghi nhận của PV, các mố neo của cầu treo này hiện đã xuống cấp, bong tróc, cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can sức chịu lực kém. Do cầu quá yếu nên cơ quan chức năng cho cắm nhiều biển cảnh báo hai đầu cầu, và cho dựng hàng rào cọc tiêu để hạn chế xe tải lớn qua cầu.
Ông Nguyễn Văn Tính, một người dân ngụ xã Thanh Liên, cho biết khi mới xây dựng, cây cầu này có độ võng rất lớn. Thế nhưng, do thời gian sử dụng quá lâu, cáp bị dạt, độ võng đã gần bằng nhau. "Qua cầu lúc nào cũng bất an vì nó rung lắc mạnh, rất nguy hiểm. Trong khi lượng người và xe cộ qua lại hằng ngày rất lớn vì đây cũng là cây cầu duy nhất bắc qua sông Giăng để người dân các xã qua lại. Nhiều hôm xe cộ qua lại nhiều, cầu bị tắc, rất nguy hiểm", ông Tính nói.
Ông Hồ Bá Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Phong Thịnh, cho hay năm 2023, Cục Quản lý đường bộ 2 (Tổng cục Đường bộ) cho gia cố thêm cáp đỡ dưới dầm cầu. Tuy nhiên, cách này chỉ giảm rung lắc chứ vẫn chưa đảm bảo được tính chịu lực của cầu. "Trước đây, ở hai đầu cầu có người trực để ngăn xe quá tải qua cầu, nhưng do thiếu kinh phí nên Cục Quản lý đường bộ 2 đã không bố trí người trực nữa. Lo ngại nhất là mặc dù đã cắm biển quy định tải trọng xe qua cầu, nhưng do không có người trực nên ban đêm xe chở đá, sỏi có tải trọng lớn vẫn qua cầu, rất nguy hiểm", ông Thịnh cho hay.
Trả lời kiến nghị của người dân H.Thanh Chương về dự án xây cầu cứng thay thế cầu treo này, mới đây, Bộ GTVT có văn bản cho biết cầu treo sông Giăng quy mô nhỏ, tải trọng khai thác thấp, ảnh hưởng đến việc khai thác trong giờ cao điểm nên việc nghiên cứu đầu tư cầu thay thế là cần thiết. Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ tổng hợp cầu sông Giăng vào danh mục dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới thay thế các cầu yếu trên một số tuyến quốc lộ để dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể cân đối bố trí được vốn để đầu tư dự án.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 rà soát, nghiên cứu đầu tư cầu sông Giăng trong dự án cải tạo cầu yếu trên các quốc lộ sử dụng vốn vay EDCF, tuy nhiên do chưa xác định nguồn vốn dư của dự án nên chưa đủ điều kiện để triển khai. Để chuẩn bị sẵn hồ sơ dự án, chủ động trình cấp có thẩm quyền khi cân đối được nguồn lực đầu tư, Bộ đã có quyết định giao Cục Đường bộ lập báo cáo để đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Bình luận (0)