Bất bình với nạn tận diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

31/12/2019 06:02 GMT+7

Thay vì lén lút, hằng ngày nhóm 'cá tặc' ngang nhiên dùng vỏ lãi dàn hàng ngang, chích điện tận diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) như chốn không người, thách thức dư luận.

Xâm phạm nghiêm trọng môi trường sinh thái

Như Thanh Niên thông tin, hằng ngày các nhóm “cá tặc” dùng vỏ lãi di chuyển dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dài khoảng 9 km, chảy qua các quận: 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình) để chích điện, tận diệt cá. Dù báo chí đã phản ánh rất nhiều lần, tuy nhiên nạn tận diệt cá trên dòng kênh này vẫn tái diễn.

Cần tịch thu tất cả phương tiện và cho tiêu hủy ngay, công tác kiểm tra phải thường xuyên. Phạt thật nặng!    

Lê Long (TP.HCM)

Bạn đọc (BĐ) rất bức xúc trước sự vô ý thức, hủy diệt môi trường sinh thái của các nhóm "cá tặc". BĐ Vân Phạm (Thái Bình) bức xúc: "Đây là những người hủy diệt môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống tương lai của con cháu chúng ta. Cần xử lý thật nghiêm".

Luật pháp xử lý những hành vi này quá nhẹ. Phải bỏ tù những người vi phạm vài tháng thì họ mới sợ.    

Jay Wong (TP.HCM)

"Mấy người này mà bắt được xử chừng 10 - 15 năm cho họ có thời gian suy nghĩ sự đời. Mỗi năm thành phố tốn bao nhiêu tiền mua cá thả xuống cho môi trường nước trong, sạch. Chích như thế này thì cá bị bắt lên, lớp thì không thể sinh sản tiếp, như vậy có phải là phá hoại không?", BĐ Mai Hữu Phước (TP.HCM) đặt vấn đề.
Trong khi đó BĐ Sâm (Bà Rịa-Vũng Tàu) ý kiến: "Bắt giỏi lắm được vài chục ký cá con con chẳng bao nhiêu tiền nhưng dòng điện cao áp và tấm lưới quét đã giết hại không biết bao sinh vật, bao mầm mống của sự sống, thật độc ác. Bao nhiêu tôm cá to nhỏ lớn bé sinh sản hay trưởng thành đều bị diệt không thương tiếc. Cần dẹp sớm đám người phá hoại này".
"Làm sao khi xử phạt xong người dân phải hiểu và sợ vi phạm pháp luật. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm thức ăn là nguồn gây bệnh tật. Rất cần sự quyết liệt của chính quyền và chung tay của nhân dân tạo ra môi trường sống xanh sạch đẹp!", BĐ Duy Sơn (TP.HCM) nêu quan điểm.

Cần xử lý hình sự

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thủy sản TP.HCM) cho rằng mức xử phạt về hành vi chích điện bắt cá vào khoảng 4 triệu đồng; tịch thu dụng cụ chích điện. Nếu vi phạm nhiều lần cũng chỉ áp dụng biện pháp xử phạt lên... 5 triệu đồng. Để xử lý hình sự phải chứng minh hành vi của đối tượng “gây hậu quả nghiêm trọng”. Mà để chứng minh việc này phải thành lập hội đồng đánh giá. “Từ trước đến giờ chúng tôi chưa xử lý hình sự với đối tượng có hành vi chích điện, bắt cá trên kênh. Các đối tượng bị bắt, xử phạt xong lại tiếp tục quay lại nghề cũ, vì việc bắt cá dưới kênh đem lại thu nhập lớn. Chỉ cần đi vài chuyến trót lọt, đối tượng đã “huề vốn” so với số tiền bị phạt”, ông Định nói.

Việc phạt hành chính thì quá nhẹ, phải truy tố tội danh phá hủy môi trường và trộm cắp tài sản công cộng, vì cá là do nhà nước và nhân dân thả.

Hoàng Lâm (TP.HCM)

Đồng tình với quan điểm cần xử lý hình sự đối với các hành vi chích điện, bắt cá trên kênh, BĐ Hoàng (TP.HCM) ý kiến: "Tôi không đồng tình khi chỉ xử phạt hành chính với mức tiền vài trăm nghìn, xong rồi cũng tái phạm y như vậy. Chúng ta không thể xử phạt mà cứ dựa vào giá trị sai phạm theo kiểu "chỉ vài con cá có đáng là bao". Cần phải duy trì trật tự ở mức độ cứng rắn hơn. Cái này thì luật phải điều chỉnh sao cho phù hợp".
"Tôi đề nghị luật pháp phải xử phạt nhiều hơn, nặng hơn. Ở nông thôn cũng bị tình trạng này nên làm cho cá tép trên sông rạch ngày càng bị hủy diệt", BĐ Trịnh Công Lý (Sóc Trăng) ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Minh (TP.HCM) cho rằng: "Đây là tội phá hoại tài nguyên và môi trường sống, tận diệt những động vật đang được bảo vệ. Cần xử lý hình sự thích đáng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.