Bất cập chòi tránh trú bão lũ ở Quảng Nam

Mạnh Cường
Mạnh Cường
25/11/2023 07:30 GMT+7

Hỗ trợ kinh phí xây dựng chòi để phòng trú bão, lũ lụt được xem là chính sách nhân văn, cấp thiết của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế đã xảy ra nhiều bất cập, trong khi số tiền hỗ trợ quá thấp khiến người dân không mặn mà, nhiều địa phương muốn trả lại.

Quảng Nam là một trong những địa phương ở miền Trung thường xuyên hứng chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai. Hàng ngàn hộ dân sống trong những ngôi nhà xuống cấp phải di dời mỗi khi bão lũ, gây vất vả cho cả người dân và chính quyền.

Từ thực tế trên, ngày 14.10.2022, HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua Nghị quyết số 32, dành 100 tỉ đồng ngân sách để xây 10.000 chòi/phòng tránh bão lũ (giai đoạn 2021 - 2025). Ngoài ra, các huyện, thị huy động thêm nguồn xã hội hóa và đóng góp của người dân. Đối tượng ưu tiên gồm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/chòi hoặc phòng.

Bất cập chòi tránh trú bão lũ ở Quảng Nam  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương trong căn nhà vừa được xây xong phần thô

MẠNH CƯỜNG

Sau 2 năm triển khai, tỉnh Quảng Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực; Nghị quyết số 32 được đánh giá là chính sách nhân văn, thiết thực giúp người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, nghị quyết khi áp dụng vào thực tế cũng xảy ra nhiều bất cập. Nhiều hộ nghèo không mặn mà hay đúng hơn là không dám nhận tiền hỗ trợ xây chòi, gác tránh bão lũ bởi họ không đủ khả năng xây dựng theo đúng thiết kế mẫu.

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Phương (73 tuổi, ở thôn Phú Phong, xã Đại Tân, H.Đại Lộc) là một trong những hộ dân được nhận hỗ trợ xây chòi tránh lũ theo Nghị quyết 32. Cách đây 2 năm, căn nhà cũ của bà bị sạt lở hư hỏng. Sau đó, huyện hỗ trợ 40 triệu đồng theo diện xóa nhà tạm nên bà Phương vay mượn thêm để cất ngôi nhà mới có gác lửng để tránh bão lũ. Ngôi nhà hoàn thành với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, nhưng bà còn nợ hơn 100 triệu đồng. "Lúc đầu bản thân tôi không muốn xây nhà nhưng do con trai làm phụ hồ nên có quen biết mấy anh thợ xây. Họ thương tình đến làm giúp, tiền công thì trả nợ dần dần nên 2 mẹ con mới mạnh dạn vay để làm nhà. Nhưng thật tình, vừa lo được cái lũ giờ lại vướng cái nợ", bà Phương thở dài.

Để có thêm tiền xây nhà tránh lũ, bà Nguyễn Thị Đen (58 tuổi, ở thôn Phú Phong, xã Đại Tân), đã bán nhà gỗ đang ở cùng một số tài sản khác với số tiền 25 triệu đồng, rồi vay mượn thêm bà con xung quanh để xây nhà. Ngôi nhà xây hết 130 triệu đồng và hiện cha con bà còn nợ 70 triệu đồng. Theo bà Đen, năm 2022, cán bộ xã có thông tin hỗ trợ 10 triệu đồng xây nhà chống bão lũ, nhưng bà không dám làm. Đến khi H.Đại Lộc hỗ trợ thêm 30 triệu đồng nữa, bà mới dám vay mượn thêm để cất nhà mới.

"Thật sự mà nói để xây dựng một cái chòi tránh lũ từ 10 triệu đồng theo Nghị quyết số 32 là không thể. Bởi, hiện nay giá vật liệu, nhân công tăng cao, với số tiền 10 triệu đồng chắc gì đã làm được cái móng. Tôi ở vậy nuôi cha già năm nay đã 94 tuổi, nhà thuộc hộ nghèo. Hai cha con đau ốm liên miên, nhưng cũng phải nương tựa nhau sống qua ngày nhờ vào số tiền nhà nước hỗ trợ", bà Đen buồn bã.

Ông Phạm Văn Vinh, công chức phụ trách mảng lao động - thương binh UBND xã Đại Tân, cho hay cái khó của địa phương khi triển khai Nghị quyết số 32 là nhiều người không mặn mà, có người "chê" tiền hỗ trợ quá ít và chỉ được nhận trong năm. Ngoài ra, nhiều người già neo đơn không muốn nhận tiền hỗ trợ vì có nhận thì họ cũng không thể cất được chòi tránh lũ. "Tôi thấy chủ trương rất hay và nhân văn nhưng khi áp dụng vào thực tế thì gặp nhiều bất cập. Ví dụ, người dân đăng ký xây nhà năm 2022 nhưng vì thời tiết không thuận lợi, bị kéo dài qua năm 2023 mới hoàn thành thì nguồn phê duyệt trước đó buộc phải trả lại ", ông Vinh nói.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Đại Tân, cho hay địa phương có 34 hộ dân đăng ký được hỗ trợ theo Nghị quyết số 32, sau đó chỉ còn 15 nhà triển khai nhưng chỉ quyết toán được 8 nhà. Xã là vùng rốn lũ nên rất nhiều hộ dân mong muốn được hỗ trợ kinh phí để làm nhà kiên cố chống mưa bão. Tuy nhiên, khi thấy số tiền hỗ trợ thấp, họ xin rút vì không đủ khả năng xây dựng.

"Để thực hiện Nghị quyết số 32, địa phương đã vận động liên tục nhưng người dân lại không mặn mà. Bởi đối với người nghèo, việc bỏ thêm kinh phí hàng chục triệu đồng để xây nhà là không thể. Điều đáng nói, muốn quyết toán thì nhà phải có gác lửng, đảm bảo theo thiết kế được phê duyệt của Sở Xây dựng nên cũng rất khó. Địa phương không thể chạy theo số lượng mà quyết toán khống được", ông Thanh nói.

Không chỉ xã Đại Tân, rất nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp khó và thậm chí muốn trả lại. Các địa phương đều cho rằng chi phí hỗ trợ 10 triệu đồng cho 1 hộ là quá thấp và không thể thực hiện được. Xây riêng một phòng độc lập còn không đủ tiền chứ chưa nói là đập sửa lại kết cấu để tránh bão lũ. Như tại xã Đại Lãnh (H.Đại Lộc), địa phương đăng ký 4 nhà theo Nghị quyết 32 nhưng chỉ làm được 1 nhà, còn 3 nhà đang làm tờ trình gửi lên huyện xin trả.

Tương tự, tại H.Thăng Bình, kinh phí năm 2023 phân bổ Nghị quyết số 32 cho 1.699 hộ nhưng hiện chỉ có 235 hộ thực hiện. Trong đó, xã Bình Đào, trong 2 năm 2022 và 2023, có 92 hộ trên địa bàn xã đăng ký, tuy nhiên sau đó phần lớn đều xin rút. Cụ thể năm nay có 55 hộ đăng ký nhưng hiện chỉ còn 5 nhà trong danh sách, mà thực tế chỉ có 2 nhà đang triển khai. Từ đó, nhiều địa phương kiến nghị cần nâng mức hỗ trợ.

Theo ông Đặng Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, toàn huyện đến nay đã duyệt 261 hộ, nhưng có tới 138 hộ không thực hiện. "Qua khảo sát thì các hộ nghèo có nhu cầu và đăng ký nhưng triển khai không được vì nguồn hỗ trợ quá thấp do giá cả nhân công, vật liệu tăng cao. Nhiều gia đình đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng không đủ cho việc đối ứng nên xin rút, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa thực sự triển khai thực hiện được tiêu chí huy động thêm sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng…", ông Kỳ nói.

Ông Kỳ cho rằng để công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện được thuận lợi, xuyên suốt từ tỉnh đến cấp huyện đề nghị chuyển giao nhiệm vụ ở cấp huyện về Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan thường trực chủ trì, hướng dẫn chuyên môn trong việc xây dựng gác, phòng trú, bão, lũ lụt đảm bảo về chất lượng, quy mô diện tích, mẫu theo quy định đã được Sở Xây dựng ban hành.

Một lãnh đạo HĐND tỉnh Quảng Nam cho hay, mục tiêu ban đầu của Nghị quyết số 32 là hỗ trợ người dân 10 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, nhưng địa phương phải cân đối nguồn ngân sách và bằng các nguồn khác để làm. "Câu chuyện nhiều người dân không mặn mà vì cho rằng số tiền hỗ trợ ít thì chúng tôi cũng đã nghe phản ánh sơ bộ. Sắp tới, chúng tôi sẽ lập đoàn đi giám sát lại để xem kết quả triển khai như thế nào, có những vướng mắc gì, từ đó báo cáo Thường trực HĐND để nghiên cứu, giải quyết", vị này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.