Bất chấp lệnh cấm, thợ đào Trung Quốc vẫn ngầm khai thác Bitcoin

18/05/2022 18:12 GMT+7

Dữ liệu của Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF) hôm 17.5 cho thấy Trung Quốc có thể đang có hoạt động khai thác Bitcoin ngầm khổng lồ, mặc dù chính phủ đã ra lệnh cấm hồi năm ngoái.

Theo CCAF, từ tháng 9.2021 đến tháng 1.2022, lưu lượng truy cập từ Trung Quốc chiếm khoảng 20% ​​tổng tỷ lệ băm Bitcoin, đơn vị đo sức mạnh xử lý thuật toán để xác minh giao dịch và khai thác mã thông báo tiền điện tử mới. Xu hướng gia tăng hoạt động khai thác diễn ra sau khi đã giảm xuống mức 0 vào tháng 7.2021, không lâu sau lệnh cấm khai thác được chính quyền Bắc Kinh đưa ra vào tháng 5 năm ngoái.

CCAF cho rằng sự phục hồi đột ngột của lưu lượng khai thác từ Trung Quốc có thể là do các công ty khai thác tiền điện tử hoạt động ngầm. Dữ liệu của CCAF “gợi ý rõ ràng rằng hoạt động khai thác ngầm đáng kể đã hình thành trong nước. Tiếp cận với nguồn điện ngoài lưới cùng với các hoạt động quy mô nhỏ phân tán về mặt địa lý là những phương tiện chính được người khai thác sử dụng, để che giấu hoạt động của họ với các cơ quan chức năng và lách lệnh cấm”.

Trung Quốc đã trở lại như một trung tâm khai thác Bitcoin lớn, bất chấp lệnh cấm hoàn toàn hồi năm ngoái

Reuters

Theo CCAF, “cần có thời gian để tìm ra các cơ sở lưu trữ hiện có hoặc xây dựng các cơ sở lưu trữ không thể truy xuất nguồn gốc mới ở quy mô khai thác đó. Có khả năng một phần không nhỏ các thợ đào Trung Quốc nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, tiếp tục hoạt động bí mật và che giấu dấu vết bằng cách sử dụng dịch vụ proxy nước ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý và giám sát”.

Các thợ mỏ Trung Quốc cũng cố gắng “đa dạng hóa địa điểm”, theo một người trong ngành tên là Bob, chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ hoạt động khai thác tiền điện tử ở châu Âu và Mỹ. “Thợ đào ở Trung Quốc sử dụng mạng riêng ảo (VPN) và cố gắng không dùng quá nhiều năng lượng từ điểm duy nhất. Do đó công ty điện không thể phát hiện bất kỳ mức tiêu thụ năng lượng kỳ lạ nào”.

Không chỉ ảnh hưởng đến thợ đào, lệnh cấm khai thác tiền điện tử năm ngoái đã gây đau đầu cho các chủ doanh nghiệp đang cố gắng di chuyển thiết bị chuyên dụng, đắt tiền. Đến cuối năm 2021, ít nhất 2 triệu máy khai thác tiền điện tử bị mắc kẹt ở tỉnh Tứ Xuyên vì thủ tục di dời phức tạp. Nhà khai thác đang mất đi doanh thu tiềm năng mỗi ngày khi các máy chuyên dụng không được hoạt động, với mức lợi nhuận ước tính khoảng 170 nhân dân tệ (khoảng 26,7 USD) trên mỗi máy. Đối với các nhà khai thác lớn, khoản lỗ này lên tới hàng triệu USD và không bao giờ có thể thu hồi được.

Tháng 11.2021, công ty an ninh mạng Qihoo 360 của Trung Quốc từng báo cáo rằng hoạt động khai thác tiền điện tử ngầm dường như vẫn còn tồn tại ở đại lục. Qihoo cho biết trung bình có khoảng 109.000 địa chỉ IP Trung Quốc khai thác tiền điện tử đang hoạt động mỗi ngày, chủ yếu nằm ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông.

Trước khi có lệnh cấm, Trung Quốc là địa điểm khai thác Bitcoin hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, mở rộng khả năng khai thác lên 37,8% tỷ lệ băm Bitcoin vào tháng 1.2022, tăng so với mức 35,1% trong tháng 6.2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.