Bất chấp sức ép quốc tế, Israel định ngày tấn công Rafah

10/04/2024 05:52 GMT+7

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo nước này đã chọn được ngày tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ ở Rafah, thành phố cực nam Dải Gaza, trong khi Hamas xem xét một đề xuất ngừng bắn mới.

Trong video được công bố ngày 8.4, Thủ tướng Netanyahu không tiết lộ khi nào chiến dịch ở Rafah sẽ diễn ra, nhưng tái khẳng định quân đội Israel "phải tiến vào Rafah và tiêu diệt các tiểu đoàn khủng bố" để có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với lực lượng Hamas ở Gaza. "Việc đó sẽ diễn ra. Chúng tôi đã ấn định ngày giờ", Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo.

4 nước cảnh báo

Rafah, đô thị nằm sát biên giới Ai Cập, được xem là nơi ẩn náu cuối cùng của dân thường Palestine phải tản cư vì cuộc chiến hơn nửa năm qua tại Gaza. Ước tính hơn một nửa dân số Gaza đang sống tại thành phố trong điều kiện tuyệt vọng, thiếu lương thực, nước uống và chỗ ở.

Binh sĩ Israel chuẩn bị tiến vào Gaza ngày 7.4

Binh sĩ Israel chuẩn bị tiến vào Gaza ngày 7.4

Reuters

Sau tuyên bố của ông Netanyahu, Mỹ cho biết vẫn phản đối Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở Rafah. "Chúng tôi đã nói rõ với Israel rằng chúng tôi nghĩ việc tiến vào Rafah với một chiến dịch quân sự toàn diện sẽ có tác động cực kỳ nguy hại đối với thường dân ở đó và cuối cùng sẽ gây tổn hại cho an ninh của Israel", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller.

Điểm xung đột: Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tấn công; Israel định ngày đánh Rafah

Pháp, Ai Cập và Jordan cũng cảnh báo Israel về những hậu quả nguy hiểm của cuộc tấn công dự kiến. "Một cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ mang lại nhiều cái chết và đau khổ hơn, làm gia tăng rủi ro và hậu quả của việc người dân Gaza bị ép phải di dời hàng loạt, cũng như có nguy cơ khiến tình hình khu vực leo thang", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah II cùng nhau lên tiếng trong một bài viết chung đăng trên vài tờ báo hôm 8.4.

Theo báo The Times of Israel, chiến dịch của quân đội nước này ở Rafah sẽ không diễn ra trong nay mai, đặc biệt là sau khi Israel rút toàn bộ binh sĩ ở thành phố Khan Younis cũng ở phía nam Gaza. Israel có khoảng 30.000 quân ở Gaza vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến và giảm xuống chỉ còn vài nghìn quân ngay cả trước đợt rút quân mới nhất - ít hơn nhiều so với quân số cần thiết để thực hiện một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn.

Bế tắc đàm phán

Trong bối cảnh đó, vòng đàm phán mới nhất về việc ngừng bắn tạm thời ở Gaza vẫn chưa cho thấy kết quả. Đầu ngày 9.4, Hamas ra tuyên bố cáo buộc Israel không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của họ trong cuộc thương thuyết diễn ra ở Cairo (Ai Cập) hôm 7.4. Tuy nhiên, Hamas đánh giá cao nỗ lực của các bên trung gian, bao gồm Ai Cập, Qatar và Mỹ, đồng thời cho biết họ sẽ nghiên cứu kế hoạch ngừng bắn mới được đề xuất, theo AFP.

Một gia đình chuẩn bị cho lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng Ramadan, ở Rafah ngày 8.4

Một gia đình chuẩn bị cho lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng Ramadan, ở Rafah ngày 8.4

Reuters

Một nguồn tin Hamas tiết lộ kế hoạch này đề cập đến 6 tuần ngừng bắn để Hamas thả các con tin là phụ nữ và trẻ em ở Gaza, trong khi Israel thả khoảng 900 người Palestine mà họ giam cầm. Các nội dung khác trong đề xuất bao gồm việc đưa dân thường trở lại phía bắc Gaza cũng như cho phép 400 - 500 xe tải chở lương thực cứu trợ đi vào lãnh thổ này mỗi ngày.

Người Gaza tuyệt vọng gánh tổn thất xung đột

Trong một diễn biến khác, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9.4 tuyên bố nước này sẽ hạn chế xuất khẩu sang Israel một loạt sản phẩm, bao gồm thép và nhiên liệu máy bay, cho đến khi các bên ngừng bắn ở Gaza, theo Reuters. Động thái này được xem là phản ứng của Ankara sau khi Israel từ chối cho Thổ Nhĩ Kỳ thả hàng cứu trợ bằng máy bay tại Gaza. Israel cùng ngày cảnh báo nước này sẽ có hành động cần thiết để đáp trả. 

Hy vọng của Palestine tại LHQ

HĐBA LHQ ngày 8.4 thông tin cơ quan này trong tháng 4 sẽ đưa ra quyết định liên quan nỗ lực của Palestine nhằm trở thành thành viên chính thức của LHQ. Theo đại sứ của Malta, chủ tịch HĐBA tháng này, hồ sơ của chính quyền Palestine đã được chuyển cho ủy ban kết nạp thành viên mới xem xét, Reuters đưa tin.

Chính quyền Palestine ca ngợi đây là động thái "lịch sử". Họ đã giữ tư cách quan sát viên tại LHQ từ năm 2012 và liên tục vận động để trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán Mỹ sẽ dùng quyền phủ quyết tại HĐBA để ngăn chặn nỗ lực mới nhất. Quyết định kết nạp thành viên mới phải được HĐBA thông qua trước khi đưa ra Đại hội đồng LHQ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.