‘Bắt cóc’ đừng ‘bỏ đĩa’

18/01/2016 05:04 GMT+7

Vào dịp tết, sức mua tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường; đặc biệt là lương thực thực phẩm và thức uống. Đây là mùa ăn nên làm ra của nhiều doanh nghiệp, nhất là mảng dịch vụ.

Vào dịp tết, sức mua tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường; đặc biệt là lương thực thực phẩm và thức uống. Đây là mùa ăn nên làm ra của nhiều doanh nghiệp, nhất là mảng dịch vụ.

Cũng là mùa tranh thủ của những kẻ làm ăn phi pháp, “tát nước theo mưa”, lợi dụng thời cơ để tiêu thụ hàng gian, hàng giả mà những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là trọng điểm.
Thông tin thực phẩm ôi, thối tuồn vào thành phố liên tục bị phát hiện và bắt giữ. Loại thực phẩm độc hại này, lâu nay chỉ trà trộn ngoài chợ, bán nhỏ lẻ cho những người nghèo khó, ít tiền nên ham rẻ. Sau thời gian “đánh du kích” và rút tỉa kinh nghiệm, có cảm giác như thực phẩm bẩn đang “tổng tấn công Bính Thân 2016” đồng loạt vào tận các nhà hàng, điểm ăn uống sang trọng của thành phố. Số vụ việc bị phát hiện còn rất nhỏ, thậm chí quá nhỏ so với thực tế. Tình trạng đã đến mức báo động đỏ khẩn cấp.
Dư luận bức xúc, người tiêu dùng lo lắng vì “không ăn thì chết ngay” vì đói, mà “ăn thì chết dần mòn” vì toàn thực phẩm độc hại. Vấn nạn làm nóng cả nghị trường Quốc hội. Khi bị chất vấn, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát phân bua “Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành hàng loạt văn bản...” nhưng thừa nhận “triển khai và hướng dẫn chưa sâu sát”. Đúng là chỉ đạo thì quyết liệt nhưng làm thì buông lỏng. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xử lý vấn nạn này kém là do bộ chủ quản và chính quyền địa phương chưa làm tốt chức trách của mình.
Ai phải chịu trách nhiệm chính vì vấn nạn này? Đọc thông tin báo chí, rùng mình ớn lạnh, vì lượng thực phẩm nguy hại khổng lồ đang từng ngày, từng giờ đổ bộ vào thành phố với đủ thứ phương tiện; cả “hải, lục, không quân”. Từ máy bay, tàu thủy, tàu hỏa đến xe chở khách giường nằm, xe cá nhân, xe biển xanh biển đỏ... Càng tức tối bởi toàn thông tin bắt giữ. Gần như không có chữ nào về việc xử lý vi phạm. Một vài vụ việc bị xử phạt như gãi ngứa, như “bắt cóc bỏ đĩa”, không hiệu quả mà càng kích thích kẻ xấu, còn người dân thì hoang mang. Ai đời hàng chục tấn thịt và ngũ tạng thối, từ Trung Quốc, vượt qua biên giới, nhởn nhơ qua hàng ngàn km với bao nhiêu chốt chặn để ung dung vào thành phố và tỏa đi khắp nước. Cứ như chuyện viễn tưởng.
Việc đầu tiên phải làm ngay là tăng cường kiểm tra và xử phạt thật nặng. Từ chủ buôn, người vận chuyển và cả người tiêu thụ. Tịch thu phương tiện vận chuyển (chứ không phải tịch thu thịt thối), rút giấy phép kinh doanh (các nhà hàng, điểm ăn uống) và cả phạt tù kẻ chủ mưu.
Bên cạnh đó, cần vận động người tiêu dùng tẩy chay các nhà xe, nhà hàng, quán ăn, điểm phân phối... thực phẩm bẩn. Tất cả cùng nhau hợp lực thì việc gì cũng có thể làm được.
“Bắt cóc” thì bỏ rọ nhốt lại, đừng bỏ đĩa như lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.