Bắt cóc tống tiền, tư hình trả thù cuốn Haiti vào vòng xoáy bạo lực

Khánh An
Khánh An
20/10/2023 18:45 GMT+7

Haiti, quốc gia tại vùng Caribbean, vẫn loay hoay giữa bất ổn không lối thoát, trong khi tình trạng bạo lực dự kiến vẫn tiếp diễn.

Bắt cóc tống tiền, tư hình trả thù cuốn Haiti vào vòng xoáy bạo lực - Ảnh 1.

Người dân Haiti tạm cư tại một sân vận động ở Port-au-Prince để tránh tình trạng bạo lực băng nhóm

REUTERS

Hãng Reuters ngày 19.10 đưa tin Tổng thư ký Hội đồng chuyển tiếp cấp cao Haiti (HCT) Anthony Virginie Saint-Pierre vừa bị bắt cóc, trong bối cảnh tình hình bất ổn tiếp diễn tại quốc gia vùng Caribbean.

Chủ tịch HCT Mirlande Manigat cho hay ông Saint-Pierre bị một nhóm vũ trang trong trang phục như cảnh sát bắt cóc vào trưa 18.10 tại khu Debussy ở thủ đô.

HCT là ủy ban phụ trách tạo lộ trình cho các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong năm tới. Haiti tổ chức bầu cử lần gần nhất vào năm 2016 và đã không có đại diện được bầu kể từ tháng 1.

Quốc gia này đối diện cuộc khủng hoảng nhân đạo gây ra bởi những băng nhóm mạnh, kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince và bắt cóc nhiều người.

Nạn bắt cóc tống tiền

Vụ bắt cóc phản ánh vấn nạn vô luật pháp tại Haiti, nơi hơn 1.000 người bị bắt cóc đòi tiền chuộc trong 6 tháng đầu năm nay, theo CNN dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc.

Làn sóng bạo lực và tội ác bao trùm Haiti sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021. Người tiếp quản chính quyền là Thủ tướng Ariel Henry đã chật vật đối phó bạo lực, vốn là một trở ngại để tổ chức bầu cử.

Từ năm ngoái, ông Henry đề nghị lực lượng vũ trang quốc tế hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp cảnh sát trong nước đối phó các băng nhóm, nhưng vẫn chưa được hỗ trợ.

Bắt cóc tống tiền, tư hình trả thù cuốn Haiti vào vòng xoáy bạo lực - Ảnh 2.

Một cựu sĩ quan cảnh sát Haiti dẫn đầu liên minh băng nhóm G9 tuần hành phản đối Thủ tướng Ariel Henry tại Port-au-Prince hôm 19.9

REUTERS

Suốt nhiều tháng, Thủ tướng Haiti và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi can thiệp quân sự vào nước này. Tuy nhiên, các láng giềng của Haiti vẫn âm thầm từ chối vai trò dẫn đầu.

Đến cuối tháng 7, Kenya đáp lời và Ngoại trưởng Kenya Alfred Mutua nói rằng đất nước của ông sẽ "tích cực xem xét việc dẫn một lực lượng đa quốc gia đến Haiti," dẫn đầu bởi đội ngũ cảnh sát Kenya gồm 1.000 người.

Tuy nhiên, đến ngày 9.10, Tòa án Tối cao Kenya chặn quyết định của chính phủ Kenya về việc hỗ trợ Haiti, cho rằng quyết định này vi hiến vì chưa được quốc hội thông qua.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng việc khôi phục tình hình ở Haiti ngày càng trở nên khó khăn, khi nhiều mạng lưới tội phạm xem việc bắt cóc là một trong những "lĩnh vực kinh doanh" béo bở.

Tư hình và vòng xoáy bạo lực

Trong 2 năm qua, các băng nhóm xung đột ở Port-au-Prince đã gây kinh hoàng cho thành phố cảng quan trọng của Haiti với các vụ hãm hiếp, tra tấn và giết chóc khi chúng tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ.

Hàng ngàn người Haiti đã rời bỏ nhà cửa, tập trung tại các khu trại tạm bợ trên khắp thủ đô rộng lớn để lánh nạn.

Một phong trào tư hình có tên "Bwa Kale" (nghĩa đen là "bóc gỗ", ám chỉ hành động công lý nhanh chóng) đã trỗi dậy trong năm nay, khi những người bức xúc ném đá, thiêu sống những kẻ nghi là thành viên các băng nhóm.

Tình trạng này khiến Đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là bà Maria Isabel Salvador hồi tháng 7 cảnh báo rằng phong trào này đã tạo "một vòng xoáy bạo lực mới và đáng báo động".

Bà cho biết hàng trăm người bị cáo buộc là thành viên băng nhóm đã bị những lực lượng tư hình như thế giết chết trên cả nước.

Trong khi đó, xung đột ở thủ đô đã làm tắc nghẽn đường cung ứng, khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt tại nhiều nơi ở Haiti.

Cơ cấu xã hội suy yếu

Bà Flavia Maurello, Giám đốc quốc gia của tổ chức viện trợ AVSI (Ý) tại Haiti cho rằng cảm giác vô luật pháp tại thị trấn Les Cayes đã làm suy yếu cơ cấu xã hội, với việc cộng đồng địa phương nhắm mắt làm ngơ trước những tội nhỏ và những hành vi lạm dụng khác mà trước đây có thể không được dung thứ.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Gedeon Jean của CARDH, tổ chức ở Haiti tham vấn về quyền con người với Liên Hiệp Quốc, cho biết ông không ngạc nhiên về việc nạn bắt cóc vẫn tiếp diễn. Ông cho rằng các băng nhóm đang tìm cách bù đắp những thất thu về tài chính do các lệnh cấm vận quốc tế và ảnh hưởng từ phong trào Bwa Kale.

Sau nhiều năm bạo lực tràn lan tại Haiti, ông nghi ngờ khả năng sẽ có tuyên bố về hòa bình. Theo ông, một cuộc đình chiến giữa các băng nhóm đối lập có thể chỉ là "một mưu mẹo khác được thiết kế để đánh lừa công chúng đang hoàn toàn mất cảnh giác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.