Bắt dân khai 32 thông tin

18/10/2013 03:00 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 17.10, đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Công an kiểm tra, làm rõ việc Công an TP.Hà Nội thu thập thông tin, dữ liệu dân cư nhiều hơn so với quy định.

 
Phiếu thu thập thông tin dân cư tại Hà Nội gây phản ứng - Ảnh: Hoàng Trang

Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Tư pháp, cho biết trước đó lãnh đạo Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều thông tin về việc người dân bức xúc do phải kê khai thông tin theo Phiếu thu thập thông tin dân cư và đã giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tiến hành xem xét. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cũng cho hay bản thân ông và gia đình nhận được tờ Phiếu thu thập thông tin dân cư do cảnh sát khu vực mang tới. Tuy nhiên, bản thân ông Phan cũng không biết có phải kê khai đầy đủ 32 thông tin trên đó hay chỉ kê khai những phần được khoanh tròn.

Phản ánh tại cuộc họp báo này, nhiều PV nói rằng trong Phiếu thu thập thông tin dân cư thể hiện rất nhiều thông tin về cá nhân như số điện thoại, email, quá trình công tác hoạt động từ năm 14 tuổi đến nay… Tại nhiều nơi, cảnh sát khu vực bắt người dân phải kê khai đầy đủ. Trong khi đó, theo quy định về thu thập thông tin về dân cư (theo Nghị định 90 của Chính phủ về quy định cơ sở dữ liệu quốc gia), chỉ kê khai khoảng 18 thông tin.

Nhiều PV đặt câu hỏi, liệu việc kê khai này có vượt quá quy định, gây tốn kém lãng phí và đặc biệt là xâm phạm đến bí mật thông tin đời tư của công dân? Trả lời báo chí, ông Ngô Hải Phan đã không đưa ra được nhận định việc làm trên là đúng hay sai mà cho biết, việc thu thập thông tin dân cư là trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan công an. Ông Phan cũng cho biết đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị kiểm tra sự việc. “Chúng tôi đang chờ ý kiến của Bộ Công an trước rồi mới có ý kiến chính thức của mình nên đến giờ chưa thể khẳng định được việc Công an TP.Hà Nội triển khai thu thập thông tin như thế là đúng hay sai thế nào”, ông Phan nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết ông chưa nhận được văn bản từ Bộ Tư pháp nên không thể đưa ra bình luận. Theo ông Vệ, quy định hiện hành về cơ sở dữ liệu công dân yêu cầu kê khai 22 thông tin cá nhân, sắp tới đây, Bộ Công an đang nghiên cứu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi rút xuống còn 18 thông tin về cá nhân.

PV đã cố gắng liên lạc với một lãnh đạo Công an TP.Hà Nội, nhưng vị này cho biết đang rất bận nên chưa thể cung cấp cho báo chí các thông tin liên quan.

Tránh “vết xe đổ” thi hành án Vinashin

Trao đổi với báo chí hôm qua, ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, cho biết cơ quan này đã có nhiều văn bản gửi tới các cơ quan tố tụng kiến nghị có biện pháp để đảm bảo thi hành án dân sự sau này.

Theo ông Thủy, trong vụ án tiêu cực xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tòa án đã tuyên 9 bị cáo trong vụ án phải bồi thường cho nhà nước trên 1.200 tỉ đồng. Nhưng thời điểm này, các cơ quan thi hành án dân sự mới thu hồi được khoảng 31 tỉ đồng. Ông Thủy cũng cho biết các biện pháp bảo đảm tài sản cho thi hành án trong quá trình tố tụng chưa được thực hiện. “Nếu không làm tốt việc phong tỏa, kê biên tài sản của những người liên quan trong vụ án thì khi tòa xử xong, bản án có hiệu lực sẽ không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng đã bị tẩu tán hết”, ông Thủy nói.

Vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cho rằng, từ bài học Vinashin, cơ quan tố tụng cũng nên xem xét để tránh lặp lại trong vụ Vinalines, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Thái Sơn

>> Thi hành án dân sự Vinalines phải tránh sai lầm vụ Vinashin
>> Trái phiếu nợ 600 triệu USD của Vinashin được niêm yết tại Singapore
>> Vinashin phát hành trái phiếu khoản nợ 600 triệu USD
>> Tiếp tục tái cơ cấu Vinashin: Lùi để tiến ?
>> Hoàn vốn cho Vinashin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.