Do vậy, thầy cô ngoài năng lực sư phạm của mình còn phải có sự dũng cảm cần thiết để vượt ra ngoài những khuôn mẫu của đánh giá, thi đua; khuyến khích ủng hộ học sinh sáng tạo, bảo vệ ý kiến của các em khi điều nói thật có thể không làm hài lòng người lớn.
Đó là chưa kể nhiều khi nỗ lực ủng hộ những sáng tạo, khám phá của học trò từ giáo viên có thể dẫn đến phản ứng của số đông phụ huynh cần sự an toàn về điểm số cho con họ. Rồi những tranh luận, đánh giá thi đua qua điểm số, thanh tra… đôi khi là cơ sở lý tưởng để “nâng quan điểm” lúc cần nhận xét năng lực giáo viên khiến họ ngần ngại khi muốn đổi mới, sáng tạo.
Tất cả những hệ lụy từ văn mẫu và cách dạy văn giáo điều, mọi người đều có thể thấy rõ: học sinh lười đọc, lười tư duy, thiếu quan sát, mất dần cảm xúc, lúng túng với ứng xử ngoài đời thực… và tệ hơn là tập nói và viết không thật ngay từ bé. Thế nhưng dường như chính người lớn, cả những người giữ chức vụ lớn ngay trong ngành giáo dục vẫn cứ dùng văn mẫu đấy thôi.
Từ bài diễn văn khai giảng, bế giảng, bài phát biểu trước học sinh hay một lá thư đọc trước toàn trường trong ngày 20.11… hầu như toàn những đoạn văn, câu chữ có thể dễ dàng tìm thấy trong các nghị quyết, chủ trương chính sách và đôi khi là những bài phát biểu các năm trước đó được sửa lại vài con số và ngày tháng!
Ở buổi lễ khai giảng hay ra trường, học sinh - sinh viên mong muốn lắng nghe được những câu chuyện, trải nghiệm, tâm tình của người đi trước để họ có thêm hành trang cho chặng đường sắp tới. Thế nhưng người lớn lại sử dụng những dịp này để nói về thành tích của trường, hướng phát triển sắp tới… với những con số khô khan, vĩ mô và trình tự theo khuôn mẫu sẵn có. Khó lòng tìm thấy cảm xúc và những suy nghĩ cá nhân trong những bài phát biểu như thế!
Khi chính thầy cô, mà cụ thể là những thầy cô có chức vụ trong ngành còn muốn bài phát biểu của mình an toàn với cấp trên và công chúng, không nhọc công suy nghĩ để viết ra những điều mới mẻ, cũng chẳng cần đo lường cảm xúc của người nghe, thì đừng trách gì một giáo viên bình thường cũng muốn chọn cách dạy học an toàn.
Chúng ta khuyến khích học sinh hãy nói lên những suy nghĩ, cảm xúc thật qua mỗi bài tập làm văn nhưng chính những người lớn lại thường xuyên sử dụng những bài diễn văn mẫu, thư chúc mừng mẫu. Liệu điều này có mang đến những hệ lụy cho người viết nó như chúng ta đang lo ngại giùm những học sinh hôm nay học theo văn mẫu?
Thầy cô phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Hãy bắt đầu từ người lớn trước.
Trọng Phước
>> Ngoại lệ mà vẫn rập khuôn
>> Rập khuôn là... giỏi!
>> Rập khuôn là... giỏi ! - Kỳ 2: Tràn lan sách tham khảo văn mẫu
Bình luận (0)