Biểu hiện
Bất đồng khúc xạ hay còn gọi là khúc xạ hai mắt không đều (anisometropia), đây là sự chênh lệch khúc xạ 2 mắt từ 2D trở lên, bất kể là tật khúc xạ cầu hay loạn thị. Dấu hiệu biểu hiện của tình trạng bất đồng khúc xạ thường gặp, đó là hay nhắm một bên mắt khi đọc bài hoặc xem ti vi; trẻ hay nhìn nghiêng đầu, có thể bị lé; trẻ không thích các hoạt động liên quan đến thị giác gần như tô màu, vẽ hình, tập đọc; hay đọc nhảy hàng, phải dùng ngón tay dò chữ... Khi bác sĩ khám, che một mắt thị lực cho khác nhau, bên rõ, bên mờ.
Qua thực tế khám mắt định kỳ hằng năm ở các trường học, bộ phận chuyên môn nhận thấy tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Trong đó đáng quan tâm là hiện tượng bất đồng khúc xạ. Nếu như những trường hợp này không được phát hiện sớm và hướng dẫn điều trị đúng, hình ảnh ở một bên mắt sẽ không rõ như mắt kia, nguy cơ dẫn đến nhược thị bên mắt kém hoặc không hoàn chỉnh được thị giác hai mắt. Hậu quả là song thị hoặc lé một bên mắt.
|
Có những trường hợp một bên mắt tốt hoàn toàn (thị lực 10/10), nhưng mắt còn lại bị tật khúc xạ nên không thấy rõ. Những trường hợp này khó phát hiện nếu không được che mắt từng bên để kiểm tra. Hoặc khi đã xác định được bất đồng khúc xạ rồi nhưng trẻ không chịu đeo kính vì nghĩ mình vẫn thấy rõ, mặc dù chỉ nhìn được một bên.
Chữa trị
Giảm thị lực do tật khúc xạ học đường là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tật khúc xạ là một trong những nguyên nhân chính gây giảm thị lực có thể khắc phục được. Do đó, khi trẻ có tật khúc xạ nếu được chỉnh kính đúng lúc và đúng độ sẽ giúp trẻ nhìn được rõ hơn và học tốt hơn. Còn việc điều trị bất đồng khúc xạ chủ yếu là điều chỉnh bằng quang học: đeo kính gọng, mang kính sát tròng; khi lớn (trên 18 tuổi) có thể phẫu thuật. Điều trị các trường hợp bất đồng khúc xạ càng sớm thì càng có kết quả. Đối với trẻ nhỏ có khúc xạ hai mắt không đều cần được chỉnh toàn bộ độ chênh lệch khúc xạ đo với liệt điều tiết, bất kể tuổi, độ lé, độ chênh lệch khúc xạ.
Khi đã có nhược thị do khúc xạ hai mắt không đều thì sẽ có chỉ định điều trị bằng phương pháp đeo kính và tập che mắt. Tùy trường hợp mà có chỉ định mỗi ngày cần phải che bên mắt tốt một thời gian để cho mắt bị nhược thị tập nhìn. Nhược thị là tình trạng giảm thị lực tương đối ở một bên mắt hoặc cả 2 mắt. Có hai loại nhược thị: nhược thị thực thể là do tổn thương ở mắt hoặc ở đường thị giác; nhược thị cơ năng nếu không có nguyên nhân thực thể nào. Bất đồng khúc xạ gây nhược thị bởi tương tác 2 mắt bất thường do ảnh võng mạc 2 mắt có độ rõ nét khác nhau, hay độ lớn khác nhau, hoặc do bị ức chế bên mắt có ảnh võng mạc mờ hơn.
BS Thái Xuân Đào
>> Trên 3 triệu học sinh mắc tật khúc xạ
>> Thêm một trung tâm điều trị khúc xạ bằng Laser
>> Học sinh mắc tật khúc xạ : Ngày càng tăng
>> TP.HCM: Triển khai chương trình phòng chống tật khúc xạ học đường
>> Phẫu thuật chữa tật khúc xạ mắt bằng kỹ thuật hiện đại
Bình luận (0)