Mong tổ công tác giải quyết tại chỗ
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) tại TP.HCM bày tỏ ông rất vui mừng với những tín hiệu gần đây của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng… khi có những chuyến công du trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe DN trình bày khó khăn, vướng mắc và nay thành lập luôn tổ đặc nhiệm trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Cộng đồng DN đều kỳ vọng tổ công tác dẫn đầu là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Thứ trưởng các bộ khác có liên quan sẽ được trao “thượng phương bảo kiếm” để có thể xử lý ngay khó khăn, vướng mắc của DN nêu nếu phù hợp, đúng pháp luật.
Hiện nay vướng mắc lớn nhất là pháp lý của dự án (DA) gần như “đóng băng” mấy năm nay, các địa phương không dám ký, ngay cả với DA làm đúng nên DN không có sản phẩm mở bán. Tiếp theo là thanh khoản của thị trường gần như đã mất khi dòng vốn cho DN, thậm chí cho khách hàng, đã bị “tắc” hoàn toàn. Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thị trường VN trầm lắng cũng lo ngại, không dám rót tiền. Nguy cơ DN chết trên đống tài sản là rất lớn vì không có dòng tiền.
“VN sau một thời gian khóa van tín dụng và trái phiếu DN đã khiến thị trường, DN lao đao. Những khó khăn này đã lan rộng ra các ngành khác như tài chính, vật liệu xây dựng, lao động… Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tín dụng đối với các DA có pháp lý hoàn chỉnh, khả thi, đối với khách hàng mua nhà là điều cần làm gấp để tránh tình trạng đổ vỡ domino. Trong đó, tổ công tác được các DN kỳ vọng rất lớn”, lãnh đạo DN BĐS nói trên kiến nghị.
Các DN BĐS kỳ vọng tổ công tác sẽ được trao quyền để có thể xử lý ngay những khó khăn của DN, của các địa phương |
ĐÌNH SƠN |
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, nhận định tổ công tác lần này gồm lãnh đạo các Bộ và Văn phòng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực BĐS như xây dựng, đất đai, tài chính… nên có đầy đủ hiểu biết, kinh nghiệm cũng như thẩm quyền để giải quyết gần như tất cả khó khăn, vướng mắc của DN và địa phương.
“Cộng đồng DN kỳ vọng tổ công tác được giao thẩm quyền giải quyết vướng mắc thay cho Chính phủ, cho các địa phương. Khi nghe địa phương, DN trình bày khó khăn, vướng mắc tổ công tác có thể giải quyết ngay tại chỗ nếu những vướng mắc đó là đúng, là có cơ sở để giải quyết được ngay. Mỗi một tỉnh giải quyết một vài DA điểm. Sau này không phải thanh tra, kiểm tra đối với các DA này. Không những vậy, khi các DA điểm này được giải quyết thì các DA khác có vướng mắc tương tự cũng sẽ được địa phương giải quyết ngay mà không cần phải lòng vòng hỏi, xin ý kiến Trung ương”, ông Nghĩa nói.
Khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện nay đang có khoảng 70% dự án BĐS, đô thị, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý không triển khai được. Thế nên quyết định lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ là rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để giải quyết “ách tắc” do quy định của các luật thì cần phải có thời gian nên theo ông Lê Hoàng Châu, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các DA BĐS, đô thị, nhà ở. Song song đó, rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định. Tổ công tác cũng khẩn trương làm việc với UBND TP.Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó, tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp DN để nghe trình bày cụ thể.
“Tôi có trao đổi với lãnh đạo TP.HCM và được biết dự kiến ngày 15.12 có cuộc gặp lắng nghe khó khăn của DN BĐS. Nhưng nay đã có tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rồi thì TP nên kết hợp với tổ công tác gặp để giải quyết ngay và luôn những DA có vướng mắc cụ thể. Hiện TP đã phân các DA đang vướng mắc làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là không thể giải quyết được do sai phạm các quy định của pháp luật và đang bị điều tra. Nhóm thứ 2 là DA có thể giải quyết được nhưng phải bổ sung hồ sơ và nhóm thứ 3 là phải trình hồ sơ lên cấp trên. Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng Sở Xây dựng tổng hợp lại một số DA có vướng mắc cụ thể để trình TP giải quyết luôn trong lần gặp tới đây vì đến nay đã có tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Sự quan tâm của Chính phủ cũng tiếp thêm động lực để các DN phải nỗ lực tự cứu mình, giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực. Các DN đang rất kỳ vọng các vướng mắc liên quan đến pháp luật sẽ được điều chỉnh nhờ tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM
Bình luận (0)