Bắt giữ nhiều mặt hàng giả bán qua mạng xã hội

23/10/2024 16:00 GMT+7

Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành đang nỗ lực kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngày 23.10, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh triệt phá thành công hai điểm kinh doanh vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, thu giữ hơn 3.680 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả trên mạng. Số hàng hóa bị tịch thu gồm nhãn, bao bì giả mạo, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc, với tổng trị giá ước tính khoảng 292 triệu đồng. Đây là một trong những nỗ lực nhằm bảo vệ người tiêu dùng và thị trường khỏi sự xâm nhập của hàng giả trên mạng. Cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Bắt giữ nhiều mặt hàng giả bán qua mạng xã hội- Ảnh 1.

Hàng hóa thực phẩm chức năng giả mạo bị lực lượng quản lý thị trường Tây Ninh bắt giữ

ẢNH; QLTT TÂY NINH

Tại điểm tập kết hàng hóa thuộc tổ 11, ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh do bà Tô Hạnh Nhi (sinh năm 2001) làm chủ, Tổ kiểm tra phát hiện 3.533 đơn vị sản phẩm là thực phẩm chức năng có dấu hiệu giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu. Trị giá hàng hóa ước tính 262 triệu đồng.

Qua làm việc, bà Tô Hạnh Nhi (chủ hàng hóa) cho biết số hàng trên do ông Phan Trọng Hiếu sinh năm 2000 ngụ ấp Đông Tiến, xã Tân Đông, H.Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đặt mua trôi nổi trên thị trường, trên mạng internet, không rõ địa chỉ, không có hóa đơn chứng từ rồi gửi cho bà Tô Hạnh Nhi. Sau khi nhận hàng, bà Nhi sẽ bán trên các tài khoản mạng xã hội do mình đăng ký.

Từ lời khai của bà Tô Hạnh Nhi, Đội QLTT số 4 tiếp tục khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại điểm tập kết hàng hóa thuộc tổ 5, ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh do ông Phan Trọng Hiếu (sinh năm 2000 làm chủ). Qua khám xét, Tổ kiểm tra phát hiện 150 đơn vị sản phẩm là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, giày các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa. Trị giá hàng hóa ước tính 30 triệu đồng. Ông Hiếu cho biết số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ, là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả do ông mua trôi nổi trên thị trường với giá thấp hơn so với sản phẩm thật, sau đó đăng bán trên các tài khoản do mình đăng ký trên sàn thương mại điện tử. Đội QLTT số 4 đã niêm phong và tạm giữ tất cả số hàng hóa nói trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bắt giữ nhiều mặt hàng giả bán qua mạng xã hội- Ảnh 2.

Đại diện nhãn hiệu CHANEL trao thư cảm ơn đến lãnh đạo Cục QLTT TP.HCM

ẢNH; QLTT TP.HCM

Tại TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT TP.HCM đã phát hiện, xử lý hơn 800 vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong đó riêng nhãn hiệu CHANEL có đến 198 vụ, chiếm đến 19% tổng số vụ vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện, xử lý. Lực lượng QLTT cũng tạm giữ hơn 25.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu CHANEL với tổng trị giá gần 1,7 tỉ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Trước thành tích trên, đại diện nhãn hiệu CHANEL đã gửi thư cảm ơn và đánh giá rất cao công tác phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Cục QLTT TP.HCM trong thời gian qua.

Tại tỉnh Tiền Giang, Cục QLTT cho biết qua 10 tháng thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 143 vụ, phát hiện 132 vụ vi phạm, đã xử lý 126 vụ, thu phạt gần 1,7 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,1 tỉ đồng, buộc tiêu hủy gần 1.400 đơn vị sản phẩm (mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, nước giải khác,..), với tổng giá trị trên 500 triệu đồng; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường trên 2.000 đơn vị sản phẩm (vàng trang sức, quần áo may sẵn, phân bón).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.