Mở rộng điều tra vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên, ngày 26.9, nguồn tin Thanh Niên cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với ông Lê Đình Mậu (44 tuổi, ngụ P.Giảng Võ, Q.Ba Đình, Hà Nội), Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Vũ Hồng Chương (64 tuổi, ngụ Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, thuộc PVN; Trần Văn Nguyên (38 tuổi, ngụ TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Kế toán trưởng dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; và Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC.
tin liên quan
Bắt tạm giam Kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí Việt NamÔng Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng Tập đoàn dầu Khí Việt Nam đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can bị khởi tố từ ngày 25.9, cùng về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án cố ý làm trái xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên; khởi tố nhiều bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của PVC, trong đó có Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận, nguyên tổng giám đốc.
Cả 4 bị can vừa bị khởi tố nêu trên có liên quan sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11.10.2011) là hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Trong việc để cho PVC tạm ứng khoản tiền nêu trên, các cơ quan tố tụng bước đầu xác định Lê Đình Mậu đã soạn thảo, thẩm duyệt văn bản để lãnh đạo PVN yêu cầu Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Đối với Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên, dù biết việc tạm ứng tiền cho PVC khi chưa ký hợp đồng EPC là sai quy định nhưng vẫn ký duyệt các khoản tạm ứng, ủy nhiệm chi theo yêu cầu của lãnh đạo PVN. Còn Nguyễn Ngọc Quý, sau khi nhận được khoản tiền tạm ứng đã ký nhiều quyết định góp vốn vào đơn vị thành viên.
Được biết, sau khi nhận được khoản tiền tạm ứng lớn từ Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC đã sử dụng không đúng mục đích như: trả nợ ngân hàng, góp vốn vào 5 công ty con, gồm: Công ty PVC-MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng. Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho biết trong giai đoạn năm 2011 - 2013, PVC để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.
Bình luận (0)