Đây là nội dung các doanh nghiệp (DN) tập trung trao đổi tại hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Tạp chí Tia Sáng và Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức tại TP.HCM hôm qua 28.5.
|
Chưa được vạ thì má đã sưng
Công ty CP may Việt Tiến là đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp để chống hàng nhái, hàng giả trong nhiều năm qua. Kết quả là trên thị trường vẫn tràn lan cửa hàng bán đồ nhái của Việt Tiến. Ông Ngô Đức Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP may quốc tế Thắng Lợi cũng cho biết, hiện ở TP.HCM phát hiện có ít nhất 10 cửa hàng bán sản phẩm nhái thương hiệu Thắng Lợi với giá chỉ bằng một nửa giá bán của công ty.
|
Biết thế nhưng công ty này chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để. Bởi theo ông Hòa, quá trình đeo đuổi và chi phí bỏ ra trong việc chống hàng giả, hàng nhái là không nhỏ nhưng kết quả lại thu về không cao. Vì vậy bản thân ông phải cân nhắc trước khi tiến hành các biện pháp bảo vệ nhãn hiệu của mình. Trong khi đó, ông Đào Trọng Đại - Trưởng bộ phận pháp chế Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - thông tin công ty thường xuyên phát hiện hàng nhái, hàng giả thương hiệu PNJ được rao bán trên mạng, ở một cửa hàng vàng bạc nhỏ…
Giải pháp mà công ty lựa chọn là mua lại sản phẩm nhái xem như làm bằng chứng và sau đó gửi công văn đến nơi vi phạm và yêu cầu ngừng ngay việc vi phạm này, nếu không sẽ tiến hành các bước tiếp theo như kiện ra tòa. Điều này cũng mang lại được những kết quả nhất định nhưng không thể triệt để. “Thủ tục hành chính mất nhiều thời gian.
Nếu kiện ra tòa thì phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Khi đó DN chưa được vạ thì má đã sưng vì tốn kém nhiều thời gian và chi phí”, ông Đại nói. Còn bà Ngô Thị Báu - Phó tổng giám đốc Công ty SX-TM Nguyên Tâm (Foci) thì cho rằng DN cũng không biết chắc nếu mình theo đuổi việc kiểm tra hàng nhái, hàng giả nhưng kết quả có đạt được hay không. Nói cách khác là việc bảo vệ SHTT trong nước hiện đang theo kiểu “hên xui”. Vì vậy đôi khi DN nhắm mắt làm ngơ và phải bỏ qua, nhất là khi giá trị các lô hàng nhái đó còn thấp hơn chi phí mà DN phải bỏ ra để thu hồi hay kiện cáo…
Nhái nhiều, hàng thật bị tẩy chay
Đó là sự thật đau lòng của nhiều thương hiệu hiện nay. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - cho biết Công ty may Việt Tiến đã tâm sự rằng nếu như công bố công khai về tình trạng hàng giả, hàng nhái thì bản thân người tiêu dùng cũng e ngại. Thậm chí có nhiều người tiêu dùng đã phản ứng bằng cách thà không mua sản phẩm Việt Tiến nữa vì không biết đâu là thật, đâu là giả. Điều này lý giải tại sao nhiều DN chưa thật sự chủ động hay công khai thông tin với cả các cơ quan thực thi SHTT. Đó cũng là nguyên nhân, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và DN vẫn còn khá lỏng lẻo.
Ông Đào Trọng Đại - Công ty PNJ đặt vấn đề, các đơn vị như quản lý thị trường, công an hay thanh tra thường xuyên kiểm tra nhãn hiệu hàng hóa của các DN đang kinh doanh, nhưng trên thị trường vẫn tràn lan hàng gian, hàng giả. Điều này cho thấy các đơn vị thực thi việc bảo vệ SHTT chưa chủ động. Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, Cục SHTT, nhận định năng lực của các đơn vị thực thi SHTT còn hạn chế. Hệ thống tổ chức bảo đảm thực thi SHTT còn phức tạp và sự phối hợp giữa các cơ quan này cũng chưa thông suốt làm hạn chế hiệu quả thực thi… Rõ ràng dù hệ thống pháp luật về SHTT đã đầy đủ nhưng khâu thực thi, khâu quan trọng nhất, lại quá yếu. Các DN đều cho rằng chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với nhau chặt chẽ hơn và hỗ trợ DN nhiều hơn thì sẽ giảm thiểu được tình trạng vi phạm SHTT đang tồn tại rộng khắp như hiện nay.
Mai Phương
>> Hàng gian, hàng giả làm giảm chất lượng công trình
>> Ra quân kiểm tra hàng gian, hàng giả
>> Khẩn trương ngăn chặn hàng nhái
>> Hàng nhái áp sát thủ đô
>> Hàng nhái ngập Móng Cái
>> Bỏ hàng ngàn USD mua ... hàng nhái
>> Tiêu hủy hàng nhập lậu, hàng nhái
>> Đau đầu với hàng nhái
>> Cảnh giác hàng gian, hàng dỏm
Bình luận (0)