Bất lực trước tình trạng học sinh nghiện điện thoại, thầy giáo xin nghỉ việc

03/06/2024 20:20 GMT+7

Một giáo viên của trường trung học ở bang Arizona (Mỹ) quyết định nghỉ việc hồi tháng 5 vì bất lực trước việc học sinh nghiện điện thoại, lơ là học tập.

Nghiện điện thoại còn tệ hại hơn cả ma túy

Trong cuộc phỏng vấn với đài NBC, ông Mitchell Rutherford, cựu giáo viên môn sinh học Trường trung học Sahuaro (bang Arizona, Mỹ), cho biết ông đã làm mọi thứ có thể để giúp học sinh cai nghiện điện thoại thông minh (smartphone) và hiện ông đang phải từ bỏ nỗ lực này.

Ông Rutherford chia sẻ: “Tôi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong năm nay, xuất phát từ chứng nghiện điện thoại của học sinh”. Hôm 23.5 vừa qua là ngày đến lớp cuối cùng thầy giáo 35 tuổi, kết thúc 11 năm giảng dạy.

Ông Rutherford cho biết áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau suốt nhiều năm qua, với mục tiêu giúp học sinh của mình hiểu được tác hại của việc nghiện điện thoại di động.

"Tôi cố gắng tổ chức các hoạt động giáo dục, khuyến khích học sinh cần quan tâm đến thời lượng sử dụng thiết bị điện tử; tìm hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ, tạo thói quen ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe bằng cách tránh dùng điện thoại trước giờ ngủ. Tôi nói về vấn đề sử dụng điện thoại gần như mỗi ngày, nhưng mọi thứ không tác dụng”, ông Rutherford chia sẻ.

Bất lực trước tình trạng học sinh nghiện điện thoại, thầy giáo xin nghỉ việc- Ảnh 1.

Học sinh vẫn lén dùng điện thoại trong lớp bất chấp lệnh cấm

REUTERS

Bên cạnh đó, ông Rutherford cho rằng việc học sinh nghiện điện thoại còn tệ hại hơn cả ma túy. Ông Rutherford nói: “Nghiện thuốc giảm đau, cocaine, heroin là một vấn đề lớn, nhưng vấn đề nghiện điện thoại còn nghiêm trọng hơn thế”.

Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, ông Rutherford cho hay đại dịch Covid-19 cũng góp phần khiến vấn đề học sinh lạm dụng điện thoại trở nên tồi tệ hơn.

Các nghiên cứu trong vài năm gần đây cũng chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến việc học tập và phát triển kỹ năng của học sinh trung học ở khắp nước Mỹ.

“Có một sự thay đổi lớn ở học sinh”, ông Rutherford nhận định, đồng thời cho biết một số học sinh thẳng thắn thừa nhận với ông rằng các em không muốn đến trường.

Tuy nhiên, ông Rutherford không đổ lỗi cho học sinh và bày tỏ kỳ vọng toàn thể xã hội sẽ nuôi dưỡng những thói quen tốt hơn ở trẻ em.

77% trường học ở Mỹ cấm học sinh dùng smartphone

Ông Rutherford nói: “Là một xã hội, chúng ta cần ưu tiên giáo dục và bảo vệ giới trẻ để các em trau dồi kiến thức, phát triển trí não, các kỹ năng xã hội cần thiết một cách tự nhiên mà không cần đến điện thoại”.

Theo Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia, 77% trường học ở Mỹ cấm học sinh sử dụng smartphone trong trường. Một số bang thậm chí ban hành lệnh cấm học sinh dùng điện thoại tại các trường học công lập.

Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng nghĩa học sinh tuân thủ theo lệnh cấm đó hoặc tất cả trường học đó đang thực thi nghiêm túc quy định cấm học sinh dùng điện thoại, theo phản ánh của hãng tin AP.

“Tình trạng học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát”, Patrick Truman, giáo viên một trường trung học ở bang Maryland, chia sẻ.

Bất lực trước tình trạng học sinh nghiện điện thoại, thầy giáo xin nghỉ việc- Ảnh 2.

Nhiều quốc gia trên thế giới cấm học sinh dùng smartphone trong trường

PEXELS

Thầy Truman đã mua một hộp lớn có 36 ngăn nhỏ để đựng điện thoại của học sinh trước khi vào lớp. Tuy nhiên, hàng ngày, học sinh vẫn giấu điện thoại trong người hoặc dưới sách để chơi game, mua sắm trực tuyến và lướt mạng xã hội.

Hiện các nước khác như Pháp, Phần Lan và Trung Quốc có lệnh cấm sử dụng điện thoại trong trường học trên toàn quốc. Còn Hà Lan đang lên kế hoạch cấm smartphone trong trường học bắt đầu từ năm tới.

Hồi tháng 7.2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cũng đã đưa ra khuyến nghị cấm dùng smartphone ở tất cả trường học để hạn chế tình trạng học sinh mất tập trung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.