Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
26/12/2023 17:21 GMT+7

'Đâu rồi đâu rồi bờ tre, đâu rồi đâu rồi ngọn gió trưa hè. Đâu rồi đâu rồi ngày xưa, đâu rồi đâu rồi đầu ngõ ngóng trông chợ quê, mẹ về...', đó là đoạn điệp khúc dồn dập hoài niệm trong bản nhạc 'Tự tình phố' mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng phổ thơ của tôi 11 năm trước, nhiều người nghe qua nói rằng rất thích…

Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng- Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Phượng

NHẠC SĨ VĂN PHƯỢNG CUNG CẤP

Từ vần thơ của những người bạn

Mùa xuân 2012, tôi viết bài Nói gì với mùa xuân, khi ghé thăm nhà người bạn thân. Trà dư tửu hậu một hồi, trong hoài niệm lâng lâng, trở về tôi ngồi vào bàn viết. Tứ thơ cứ thế tuôn ra, có thể không hay nhưng đầy cảm xúc. Và rồi, người bạn ấy đã gửi cho Phượng đọc chơi, ai dè ngẫm nghĩ mấy hôm, chàng nhạc sĩ đa tài đất Quảng Ngãi lọc lấy tứ thơ, lồng vào giai điệu và gửi cho bạn bè nghe. Một nhạc phẩm, theo thiển ý của tôi, hay hơn rất nhiều những vần thơ theo thể tự do mà tôi đã viết. Có lẽ, Phượng đọc thấy trong tôi tâm ý mà anh thích, để rồi anh tâm niệm gửi vào đó những cung bổng trầm, khiến nó trở thành một ca khúc hay và thăng hoa trọn vẹn.

Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng- Ảnh 2.

Nhạc sĩ Văn Phượng (phải) và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

NHẠC SĨ VĂN PHƯỢNG CUNG CẤP

Tổ quốc là tiếng mẹ - nhạc Văn Phượng, thơ Nguyễn Việt Chiến, nghệ sĩ Thanh Thúy trình bày

Cũng như nhiều lần phổ thơ bạn bè, những văn nghệ sĩ, những nhà giáo, bác sĩ, nhà báo mà Phượng chơi thân, hầu như những đoạn điệp khúc trong nhạc của Phượng đã bật lên cái tình cái ý của thơ những người bạn. Tỉ như bài thơ Quy Nhơn ngày trở lại của nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, viết vào lúc anh trở lại sau khi sống 10 năm ở thành phố biển Quy Nhơn, khi nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc, đã nói lên được cái tình vốn dĩ yêu dấu nơi chốn từng có bao kỷ niệm đẹp của tác giả bài thơ: “Sóng vẫn nhớ em hoài, và gió vẫn hát lên bài tình ca cho em, cho anh say mê ngày xưa bên nhau (hơ hờ)”, rồi tiếp là một đoạn đẩy đến cao trào như khi biển tung sóng chồm lên bờ bãi: “Sóng vẫn khát khao hoài, bờ cát vẫn nhớ tên người để anh chơi vơi chơi vơi giữa biển khơi, một chiều nhớ thương”.

Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng- Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, tác giả bài thơ Quy Nhơn ngày trở lại và nhạc sĩ Văn Phượng (phải)

NHẠC SĨ VĂN PHƯỢNG CUNG CẤP

Quy Nhơn ngày trở lại - nhạc Văn Phượng, thơ Nguyễn Ngọc Toàn, ca sĩ Công Cường trình bày

Những đoạn điệp khúc rất dụng công ấy trong các ca khúc, khó kể ra hết trong một bài viết, nhưng đều thấy phảng phất trong nhiều bản nhạc của Phượng khi phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra), Trần Cao Duyên (Hát với sông quê), Trầm Thụy Du (Lúng liếng mắt H're), Phạm Đương (Một khuya nào)… Hay cả trong những bài hát đậm chất trữ tình, anh viết trong khoảng lặng riêng mình và “đính” lên phía đầu khung nhạc: Nhạc và lời: Văn Phượng. Có lẽ, với nhiều người nghe, đôi khi nhạc của Phượng có đôi bài hơi khó hát, song khi lắng nghe và thẩm thấu được âm giai trong đó, nhất là các đoạn điệp khúc, sẽ nghiệm ra rất nhiều điều mà anh muốn gửi gắm.

Lúng liếng mắt H’re - nhạc Văn Phượng, thơ Trầm Thụy Du, ca sĩ Mebla Sia Lợ người Cơ Ho trình bày

Đến "Gừng cay muối mặn" quê nhà, Tổ quốc

Nhạc sĩ Văn Phượng sinh ra ở Quảng Ninh, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế. Là một nhạc sĩ chuyên ngành sáng tác, phối khí nhưng anh lại chơi thuần thục và truyền tải rất có hồn khi sử dụng nhiều loại nhạc cụ như guitar, piano, violon và organ… Quê cha là miền Hội An có con sông Hoài thao thức, còn ngôi làng bên dòng sông Thu Bồn, H.Duy Xuyên, Quảng Nam là quê bà nội của anh. Và như bao người vào một thời đoạn chiến tranh, mẹ anh là người phụ nữ đất Vụ Bản, Nam Định. Bởi vậy, cảm thức về quê hương và những vùng miền trên đất nước này, từ quê nội, quê ngoại và cả nơi anh cất tiếng khóc oa oa chào đời đã thấm vào huyết quản, để rồi mỗi khi có dịp lại trào dâng nỗi nhớ đong đầy vẫn luôn ghi dấu trong tâm khảm!

Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng- Ảnh 4.

Nhà giáo, nhà thơ Trần Cao Duyên (phải) và nhạc sĩ Văn Phượng

NHẠC SĨ VĂN PHƯỢNG CUNG CẤP

Một khuya nào - nhạc Văn Phượng, thơ Phạm Đương, ca sĩ Thạch Lam trình bày

Cũng có thể nói, suốt bao năm qua, nét tài hoa của Phượng đã gửi vào những cung bậc dâng tặng quê hương Quảng Ngãi, nơi anh cùng bạn bè tạo lập sự nghiệp và niềm mến thương đau đáu với quê hương xứ sở. Với vai trò của một trưởng phòng văn nghệ của đài phát thanh truyền hình tỉnh, mang trên vai nghiệp báo chí tròn 30 năm qua, anh lại có điều kiện rong ruổi lên nguồn xuống biển để ấp ủ sáng tác, dưỡng nuôi phong vị rung động, đa cảm của một nhà báo - nhạc sĩ trước muôn mặt đời sống.

Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng- Ảnh 5.

Nhạc sĩ Thảo Linh (Nguyễn Thao Giang, bên phải) và nhạc sĩ Văn Phượng tháng 10.2023 bên dòng sông Trà (Quảng Ngãi)

NHẠC SĨ VĂN PHƯỢNG CUNG CẤP

Những nhạc phẩm của Phượng viết về vùng cao Quảng Ngãi sau những chuyến công tác của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi hay các chuyến đi từ thiện của anh cùng với vài nhóm bạn bè cũng đều mang âm hưởng đẹp và sự rung cảm sâu sắc. Tôi thích giai điệu vui nhộn hào sảng với tiếng suối róc rách hòa trộn tiếng đàn tơ rưng, âm hưởng núi rừng trong bản nhạc Lúng liếng mắt H’re của anh phổ thơ Trầm Thụy Du, nhưng cũng rất “cảm” những bài hát anh viết về sông, về biển như Cổ Lũy nhịp cầu yêu thương, hay một bản khác, mà nghe trong ấy có tiếng chuông chùa và ngọn gió phiêu du trên đỉnh núi, đó là nhạc phẩm Bên chiều Thiên Ấn

--------------

Khi dàn dựng bản hợp xướng Chân sóng (từ ý thơ trong trường ca Chân sóng của nhà thơ Thanh Thảo), tôi nghĩ hẳn trong lòng Phượng đã gửi gắm vào đó một thông điệp sống rất nồng ấm, yêu thương. Đó là tình yêu Tổ quốc và Biển Đông chan hòa nắng gió. Không phải ngẫu nhiên và cũng không chỉ là hợp xướng Chân sóng, mà khi anh phổ bài thơ Tổ quốc là tiếng mẹ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Tổ quốc là sóng mặn trên cồn cào biển Đông. Cát Hoàng Sa ghi hận, đá Trường Sa tạc lòng…”, lúc hiện trên nền của những nốt nhạc, lời thơ bỗng dưng thôi thúc thăng hoa, nghe càng yêu thêm dải bờ sóng vỗ, những hòn đảo ngoài khơi xa!

Bất ngờ điệp khúc từ nhạc Văn Phượng- Ảnh 6.

Nhạc sĩ Văn Phượng và tác giả bài viết (phải) mùa đông 2020 tại Quảng Ngãi

NHẠC SĨ VĂN PHƯỢNG CUNG CẤP

Tự tình phố - nhạc Văn Phượng, thơ Trần Thanh Bình, nhạc sĩ Văn Phượng trình bày

Và bây giờ, những ngày cuối năm, tôi lại tẩn mẩn giở những bức ảnh mùa đông Hà Nội của Phượng, với vài câu viết dường như anh hoài niệm ký ức ngày thơ ấu, để thấy và biết hành trình đời người đi dài theo năm tháng với “bước chân du ca” của anh, dù Phượng chưa bao giờ nhận mình như thế. Nhưng, có lúc đêm về, khi một mình bật ánh đèn khuya, tôi nghe lại những tình khúc của Phượng trong lặng lẽ để thấm một tiếng lòng, ẩn sau những nốt nhạc trầm bổng ấy, bỗng tự bao giờ nhận ra rằng trong anh tiềm tàng một cảm xúc phiêu lãng, nồng nàn.

Lại chợt nhớ lời nhạc sĩ Thảo Linh, là anh Nguyễn Thao Giang, biên tập viên Đài Truyền hình TP.HCM, cũng là tác giả ca khúc Những lá thuyền ước mơ viết cho thiếu nhi nổi tiếng 40 năm trước cho đến tận bây giờ, một hôm mới đây ngồi với nhạc sĩ Văn Phượng bên dòng sông Trà, qua điện thoại kết nối với tôi, đã nói duy nhất một câu rằng: “Phượng dễ thương”!

Sài Gòn những ngày cuối năm 2023

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.