Vừa qua, tôi có dịp lên thăm Hà Giang lần đầu tiên và chứng kiến rất nhiều bất ngờ.
Bất ngờ có phần vì cảnh sắc Hà Giang hùng vĩ quá, tươi đẹp quá. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Trước tiên, là tất cả các điểm danh thắng trên đường du lịch, đều đã phủ sóng wifi, từ cột mốc Km0 tại trung tâm TP.Hà Giang, đến điểm ngắm cảnh núi đôi Quản Bạ, điểm chụp ảnh trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, rồi thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Lá, Đồng Văn - nơi có ngôi nhà được sử dụng để đóng bộ phim “Chuyện của Pao” nổi tiếng, nhà vua Mèo Vương Chính Đức tại xã Sà Phìn, cột cờ Lũng Cú tại xã Lũng Cú, đều của huyện Đồng Văn…, đều phủ sóng wifi “nét căng”.
Và tất nhiên, với giới trẻ, chỗ nào có sóng wifi, sẽ là địa điểm để dừng lại “check-in” (chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội, ghi dấu địa điểm đã đến). Cùng với đó, sẽ là rất nhiều dịch vụ phụ trợ khác được triển khai và thực hiện rất tốt: ăn uống, mua sắm, quà lưu niệm, lưu trú…
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về các đặc sản địa phương đã được tổ chức khá chu đáo. Nhờ đó, các thương hiệu của địa phương đều đã có độ phổ biến rộng rãi, từ cao nguyên đá, các cánh đồng tam giác mạch, cánh đồng hoa cải, những rặng hoa đào, hoa lê, hoa mận đẹp mê hồn, những con đèo “cổng trời”, nằm trong “tứ đại đỉnh đèo”, đến các địa danh huyền thoại như con đường Hạnh Phúc, điểm cực Bắc Lũng Cú, dòng sông Nho Quế… đều đã trở nên quen thuộc không chỉ với giới “phượt thủ”, với các bạn trẻ, mà với đông đảo người mê du lịch cả nước cũng như bè bạn nước ngoài.
Không những địa danh, mà các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương, như chợ tình Sà Phìn, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội tam giác mạch… cũng đã trở nên nổi tiếng. Trên báo điện tử, mạng xã hội, các hình ảnh về các địa danh nổi tiếng của Hà Giang đã không còn xa lạ, thậm chí tần suất được các “phượt thủ” (những người đi du lịch bụi) “check-in” còn cao hơn cả các điểm đến nổi tiếng khác như Hạ Long, Quảng Nam, Huế…
Vào bản thăm bà con dân tộc H’Mông, thấy trên vách tường vạch bằng than số một số điện thoại di động. Hỏi đây là số gì, anh chỉ nhà cười bảo: “Số của người bán phân bón, hạt giống đấy”. Công nghệ thông tin, viễn thông đã đi sâu vào đời sống của bà con.
Chỉ nhìn qua như vậy cũng đã thấy khâm phục chính quyền Hà Giang. Một địa phương nằm ở đầu hàng trong danh sách các tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nay có được thành tựu như vậy, quả là rất đáng khen.
Không chỉ là chuyện “sống ảo”, lên Hà Giang mới thấy, lúc nào cũng nườm nượp các đoàn khách du lịch đổ về. Tỉnh không có sân bay, đường bộ còn khó khăn, nhưng khách đi ô tô cũng nhiều không kém xe máy. Ở khu vực bản Lô Lô Chải gần chân cột cờ Hà Giang hay khu phố cổ Đồng Văn, du khách nước ngoài đông khiến người ta nghĩ mình đang ở phố cổ Hội An hay Hà Nội, TP.HCM vậy. Trẻ em, người lớn tự tin giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh chẳng khác gì ở Sapa, mà cũng không nảy sinh tình trặng chặt chém, nâng giá.
Chị hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi cho biết, để đặt ăn, đặt phòng ở cho đoàn, các chủ nhà hàng, khách sạn trên đó thường yêu cầu chị sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên nền di động để chat, gửi file, giúp chị có thể dễ dàng xem ảnh phòng, nhìn thực đơn rất rõ ràng và nhanh chóng để cân đối cho đoàn.
Có lẽ, với tất cả tuyến đường du lịch mà du khách đi qua, từ Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, công nghệ thông tin đã phủ sóng và phục vụ tốt các nhu cầu của người dân.
Mặc dù là một tỉnh khó khăn, nhưng Hà Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, và với xa lộ này, con đường kết nối giữa Hà Giang, đặc biệt là các điểm xa nhất cách Hà Nội cả ngày đường, với các tỉnh thành trong cả nước, đã được rút ngắn hơn bao giờ hết. Với xu thế “thế giới phẳng” và sự tiện dụng của công nghệ thông tin, đến nay, các đặc sản của Hà Giang từ thịt trâu gác bếp, mật ong, táo mèo, cam sành, đến bánh tam giác mạch… đã đến với người tiêu dùng khắp nơi một cách vô cùng dễ dàng.
Nếu như năm 2011, Hà Giang còn đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin do Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin và Hội Tin học Việt Nam thực hiện thì đến năm 2015, Hà Giang đã cải thiện vị trí và đã lên vị trí thứ 13/63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo thứ hai cả nước, với trên 43% số hộ dân vẫn ở mức nghèo, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng nhìn những khu phố sầm uất dọc đường từ Yên Minh, Mèo Vạc đến tận Lũng Cú, nhìn vào trang thiết bị trong những nhà đồng bào người H’Mông, người Lô Lô, có thể tin rằng, con đường giảm tỷ lệ nghèo của Hà Giang sẽ đi nhanh.
Với quyết tâm đưa tỉnh lọt vào top 10 các tỉnh, thành phố của cả nước trong bảng xếp hạng về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chắc rằng, con đường đưa Hà Giang phát triển sẽ có thêm nhiều động lực. Có thể, con đường cao tốc nối Hà Nội với Hà Giang sẽ cần hàng chục năm nữa mới hoàn thành, nhưng với mạng không dây, với 3G, 4G, sẽ là cầu nối để nhanh chóng bắt kịp đà phát triển của các tỉnh bạn.
Bình luận (0)