Rau quế giúp tăng thêm hương vị cho bữa ăn và mang lại lợi ích cho sức khỏe, như giảm mức đường huyết và hỗ trợ sức khỏe tim mạch, theo chuyên trang sức khỏe Health Shots.
Rau quế không chỉ thường được thêm vào tô phở ở Việt Nam, mà các món ăn ở Indonesia, Thái Lan cũng có loại thảo mộc này, theo trang tin sức khỏe Health Line.
Rau quế từ lâu đã được sử dụng để điều trị cảm lạnh và viêm mũi. Loại rau này cung cấp canxi, vitamin K và nhiều chất chống oxy hóa. Nó còn chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa - eugenol - chất tạo ra mùi thơm cho rau quế.
Sau đây là một số lợi ích của rau quế:
Giảm mức đường huyết cao
Nhiều bác sĩ y học cổ truyền thường khuyên dùng rau quế để kiểm soát lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu năm 2019 trên chuột cho thấy chiết xuất rau quế giúp giảm mức đường huyết cao và giúp điều trị các tác hại lâu dài của lượng đường trong máu cao, theo WebMD.
Cải thiện lưu lượng máu
Một bài đánh giá đã phát hiện chiết xuất rau quế giúp giảm huyết áp cao trong thời gian ngắn, có thể nhờ hàm lượng eugenol. Tinh dầu của rau quế có thể giúp giảm cholesterol và chất béo trung tính. Rau quế cũng chứa magiê, có thể giúp cải thiện lưu lượng máu.
Giảm căng thẳng oxy hóa
Chất chống oxy hóa trong rau quế có khả năng loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, từ đó ngăn chặn căng thẳng oxy hóa, giúp giảm tổn thương tế bào và cả bệnh tật. Các nhà khoa học cho biết ung thư, bệnh tim, viêm khớp, tiểu đường đều từ căng thẳng oxy hóa mà ra.
Chống lão hóa
Theo nghiên cứu, rau quế có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của lão hóa. Nghiên cứu cho thấy kem dưỡng da chứa chiết xuất rau quế có thể cải thiện độ ẩm da, giảm thô ráp và nếp nhăn.
Giảm viêm và sưng
Căng thẳng oxy hóa có thể dẫn đến viêm, một yếu tố gây ra ung thư, tiểu đường và viêm khớp. Nghiên cứu năm 2017, đã phát hiện tinh dầu rau quế có thể giúp điều trị các bệnh khác nhau liên quan đến chứng viêm do căng thẳng oxy hóa.
Chống nhiễm trùng
Nhiều bác sĩ y học cổ truyền đã sử dụng rau quế để chống nhiễm trùng. Nghiên cứu năm 2013 cho thấy tinh dầu rau quế có hoạt tính kháng khuẩn bệnh đường hô hấp, đường ruột, tiết niệu, theo WebMD.
Bình luận (0)