Liên hoan tạo sân chơi giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức về học thuật, nghiên cứu khoa học, sáng tạo giữa các cơ sở Đoàn, Hội, câu lạc bộ, đội nhóm, thanh niên, sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố. Chương trình có 30 gian hàng với hơn 300 mô hình, sản phẩm của thanh niên học sinh, sinh viên tham gia triển lãm, 30 hoạt động sáng tạo được tổ chức.
Chị Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho biết: "Liên hoan là dịp học sinh, sinh viên cọ xát, thể hiện tài năng, ứng dụng kiến thức học tại trường vào thực tiễn. Các sân chơi học thuật, khoa học kỹ thuật góp phần lan tỏa và đưa phong trào sáng tạo của tuổi trẻ thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều bạn thông qua sân chơi đã ghi danh vào bảng vàng của chương trình nghiên cứu học thuật của quốc gia và quốc tế".
Tại liên hoan, rất nhiều khách tham quan đã tỏ ra bất ngờ và thán phục trước nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày do các học sinh, sinh viên sáng tạo.
Phạm Thị Hương, đại diện nhóm sinh viên Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giới thiệu sản phẩm "Nuôi khoai mỡ bổ sung protein thực vật", cho biết thành phần của sản phẩm gồm bột khoai mỡ, bột protein đậu nành, dầu thực vật, muối… Sự kết hợp giữa bột khoai mỡ và protein đậu nành tạo ra sản phẩm giàu protein, chất xơ, chất anthocyanin, thích hợp cho người có chế độ ăn uống thuần chay, ăn kiêng và giảm cân.
Còn Nguyễn Xuân Lợi, sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, mang đến liên hoan sản phẩm "Hỗ trợ quan sát điểm mù khi đánh lái". Xuân Lợi giới thiệu sản phẩm: "Gương chiếu hậu có thể điều chỉnh góc hoạt động theo 4 hướng tự động giúp tài xế thuận tiện quan sát điểm mù lúc vào cua. Mình còn thiết kế hệ thống chiếu sáng thích ứng giúp đèn tự điều chỉnh góc khi tài xế đánh vô lăng, giúp tăng khả năng quan sát phía sau của tài xế tốt hơn, hạn chế tai nạn do điểm mù".
Thiết kế "Thùng rác compost" của nhóm sinh viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng được nhiều người quan tâm. Vũ Nguyễn Bảo Trân, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nhóm đã nghiên cứu thùng rác có hệ thống đảm bảo cung cấp khí và xáo trộn rác hữu cơ nhằm tạo phân compost để trồng cây, thiết kế cửa thuận tiện cho quá trình bỏ rác, bổ sung gậy lấy phân để thùng rác hoạt động liên tục".
Đặc biệt, mô hình "Thảo nguyên cho em" của Ngô Thụy Nam Phương và Đặng Bích Trâm (giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM), đã mang lại cảm hứng sáng tạo cho nhiều người. Nam Phương cho biết việc sáng tạo mô hình này để giảng dạy cho học sinh khuyết tật, tự kỷ, giúp các bạn có sự hứng thú, sự tập trung khi học tập, từ đó tiếp thu bài tốt hơn. Mô hình áp dụng trong nhiều môn học như: toán, tiếng Việt, đạo đức, hoạt động trải nghiệm, tiếng Anh của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Liên hoan diễn ra trong 2 ngày, với nhiều giải thưởng, cuộc thi, hội thảo khoa học và sân chơi khoa học sáng tạo hấp dẫn, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
Bình luận (0)