Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện một ngôi sao đồng thời phát triển thành hai "khuôn mặt" trái ngược nhau, nên gọi là sao lưỡng diện, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
"Bề mặt của sao lùn trắng hoàn toàn thay đổi từ bên này sang bên kia", tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Ilaria Caiazzo, nhà vật lý thiên văn của Viện Công nghệ California (Caltech, Mỹ) dẫn đầu cuộc nghiên cứu.
Cách trái đất hơn 1.000 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Thiên Nga, sao lùn trắng đặc biệt này có tên khoa học là ZTF J203349.8+322901.1. Vì bề ngoài kỳ lạ, ngôi sao còn có biệt danh Janus, theo tên vị thần của sự chuyển đổi trong thần thoại La Mã cổ xưa.
Janus được tìm thấy nhờ vào công của Zwicky Transient Facility (ZTF), một thiết bị với chức năng quét bầu trời mỗi đêm tại Đài thiên văn Palomar của Caltech gần thành phố San Diego (bang California).
Trong lúc tìm kiếm các sao lùn trắng, tiến sĩ Caiazzo cùng nhóm của bà chú ý một đối tượng dường như diễn ra sự thay đổi nhanh chóng về độ sáng. Các quan sát tiếp theo cho phép các nhà nghiên cứu phát hiện sao Janus đang xoay quanh trục theo tần suất 15 phút/lần.
Kết quả đo đạc quang phổ cho thấy một mặt của ngôi sao gần như chứa toàn bộ là hydrogen và mặt còn lại hầu như chỉ toàn helium.
Bề ngoài hiếm có của sao Janus rất khó được giải thích theo khía cạnh khoa học. Tuy nhiên, tiến sĩ Caiazzo cho rằng có thể ngôi sao đang trải qua một quá trình chuyển tiếp hiếm hoi, từ một nguyên tố chiếm hữu bề mặt ngôi sao sang một nguyên tố khác.
Sao lùn trắng là những tàn tích còn lại của những ngôi sao như mặt trời của chúng ta. Trong quá trình già đi, sao như mặt trời phình to và chuyển thành sao khổng lồ đỏ. Theo thời gian, lớp vật liệu bên ngoài bị thổi bay và lõi co lại thành sao lùn trắng với khối lượng như mặt trời nhưng kích thước chỉ bằng trái đất.
Bình luận (0)